Sáng 18-5, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại Miền Nam tổ chức hội thảo khoa học về thí điểm cơ chế, chính sách mới vượt trội tại TPHCM.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên Tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết số 16, TPHCM vẫn tiếp tục là động lực, đầu tàu dẫn dắt phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Quang cảnh hội thảo |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, thực tiễn phát triển TPHCM còn nhiều vấn đề phải khắc phục. Kinh tế thành phố tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người không đạt, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện… Hội thảo khoa học này nhằm tập hợp các luận cứ khoa học về xây dựng và thí điểm các cơ chế, chính sách mới, vượt trội để phát triển TPHCM, đưa phương hướng xây dựng và thí điểm các cơ chế, chính sách mới, vượt trội để bảo đảm tính hiệu quả.
Từ gợi ý của PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ hơn lý luận về cơ chế, chính sách vượt trội; thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội; bàn luận về tính cấp thiết phải xây dựng và thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội, đi trước về xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, làm cơ sở để nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển chung trên cả nước. Đồng thời, đề xuất cơ chế để nghiên cứu, phát hiện các vấn đề kinh tế – xã hội cần có cơ chế, chính sách mới, vượt trội.
5 mục tiêu khi đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù
PGS-TS Trần Thọ Quang, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung – Tây Nguyên cho rằng, việc TPHCM đề xuất những chính sách đặc thù, vượt trội để chủ động ứng phó kịp thời với các biến động là cần thiết.
Chuyên gia này cũng cho rằng, TPHCM cần đề ra 5 mục tiêu hướng đến khi đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù. Đó là có giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, đưa TPHCM trở thành trung tâm sản xuất lớn của cả nước và khu vực.
“Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang tìm kiếm các không gian phát triển an toàn và TPHCM là một trong những nơi mà các doanh nghiệp để mắt tới. Để đón đầu dòng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp, TPHCM cấp thiết phải có cơ chế để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đưa ra các chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút doanh nghiệp đến”, PGS-TS Trần Thọ Quang nhấn mạnh.
Đại biểu nêu ý kiến về nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 |
Thứ hai, TPHCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, trung tâm tài chính quốc tế. Cho nên, thành phố phải có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các trung tâm tài chính truyền thống hiện nay như Singapore, Thượng Hải, Seoul, Tokyo… để xác định vị được chỗ đứng, định hướng các chính sách đặc trưng để phát triển có năng lực cạnh tranh. Không chỉ có các chính sách thu hút còn phải đề ra các chính sách để giữ chân các doanh nghiệp, tập đoàn đang đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Chuyên gia Trần Quang Thọ cho rằng việc TPHCM thành lập TP Thủ Đức với hàm ý thúc đẩy nơi đây thành trung tâm tài chính lớn. Do đó, cần tạo cho TP Thủ Đức một mô hình phát triển hợp lý, xứng tầm để thực hiện được mục tiêu này.
Về đầu tư hạ tầng, thời gian qua TPHCM đã nỗ lực thúc đẩy nhiều dự án nhưng trên tổng thể, diện mạo hạ tầng của TPHCM còn ngổn ngang. Các trục giao thông chính còn chưa thành hình, các cầu cảng, bến bãi quan trọng vẫn chưa được đầu tư đúng mức. PGS.TS Trần Thọ Quang cho rằng cần có tư duy mới trong việc thúc đẩy hạ tầng giao thông. Như việc đầu tư cảng biển cần nguồn lực rất lớn, với cách làm cũ khó mà đạt được mục tiêu, cần có chính sách đặc thù để huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện.
Ngoài ra, TPHCM là đơn vị đi đầu trong thí điểm chính quyền đô thị nhưng khi thực hiện vẫn gặp nhiều hạn chế như việc nhập các đơn vị hành chính, sắp xếp biên chế. Do đó, cần thiết phải cho TPHCM những cơ chế để TP thực hiện sứ mệnh phát triển xứng đáng với tiềm năng, để đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Phải khắc phục được “tính xung đột” trách nhiệm
TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng cần nhấn mạnh vai trò đi đầu của TPHCM, TPHCM vì cả nước và cả nước vì TPHCM. Theo TS Bùi Ngọc Hiền, vừa qua, tốc độ tăng trưởng GRDP của TPHCM sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của cả nước. Do đó, TPHCM phải phát triển vì cả nước và ngược lại, các địa phương cũng cần ủng hộ để cùng TPHCM phát triển. Không chỉ vậy, việc TPHCM xin các cơ chế chính sách đặc thù cũng là thí điểm các mô hình tăng trưởng chung của cả nước, đem lại kinh nghiệm quý báu cho các địa phương trong việc thực thi các chính sách phát triển.
TPHCM nên áp dụng một số mô hình mà các nước đã thực hiện thành công trước đó, đó là mô hình sandbox. Theo đó, với mô hình này, TPHCM nên tạo ra một khung chính sách pháp lý riêng nằm ngoài hoặc vượt khung pháp lý hiện tại để đổi mới sáng tạo, có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư.
Bên cạnh đó, TPHCM phải tăng cường tính dự báo khi đề xuất các chính sách khi tình hình trong nước và thế giới luôn biến động. Do đó, nghị quyết phải tạo “tính mở”, tăng sự chủ động trong thí điểm các chính sách để TPHCM kịp thời đưa ra các phương án tháo gỡ những khó khăn mà thực tiễn đề ra.
TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TPHCM trình bày tham luận tại hội thảo |
Cũng theo TS Bùi Ngọc Hiền, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 54, nghị quyết mới phải đảm bảo được tính khả thi khi triển khai thực hiện. Trong đó, nghị quyết mới phải khắc phục được “tính xung đột” trách nhiệm giữa TPHCM và các bộ ngành khi thực hiện các chính sách. Trong đó, nghị quyết phải xác định được trách nhiệm của các bên liên quan, nhất là trách nhiệm của TPHCM, bãi bỏ những thủ tục rườm rà để các chính sách được nhanh chóng, hiệu quả. Nếu không khắc phục được việc này thì những hạn chế của Nghị quyết 54 sẽ trở lại, có thể sẽ nghiêm trọng hơn.
Liên quan đến nội dung này, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM cũng cho rằng, việc nhìn nhận các hạn chế khi thực hiện Nghị quyết 54 để rút kinh nghiệm thực hiện nghị quyết mới rất quan trọng. Nhìn nhận Nghị quyết 54 có vai trò rất lớn giúp TPHCM vượt qua đại dịch Covid-19 nhưng nhiều chính sách thực hiện chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa TPHCM và các sở ngành vì cơ chế, chính sách còn vướng mắc, chồng lấn. Phải xác định đây là điểm nghẽn để gỡ.
Ở nghị quyết thay thế, bên cạnh việc đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù thì phải đưa giải pháp để bãi bỏ những thủ tục rườm rà khi thực hiện chính sách. Nên chăng, TPHCM nên đề xuất luôn cơ chế xin ý kiến các bộ, ngành. Khi TPHCM đề xuất một vấn đề với các bộ ngành Trung ương, trong thời gian bao lâu sẽ trả lời. Nếu qua thời hạn này, Trung ương không trả lời thì TPHCM được quyền thực hiện các chính sách đã đề xuất trên tinh thần tự chịu trách nhiệm.
PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM phát biểu kết luận hội thảo |
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát khẳng định sự cần thiết, mang tính cấp bách của các cơ chế, chính sách mới vượt trội đối với sự phát triển bền vững của TPHCM trong bối cảnh phát triển mới, để Thành phố phát huy một cách hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế. Cùng với đó, để Thành phố đón đầu, khai thác tốt các cơ hội để phát triển mạnh mẽ, giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm lan tỏa, tạo xung lực mới trong phát triển kinh tế – xã hội của khu vực phía Nam và cả nước.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản:
Cần có cách tiếp cận khác
Cơ chế chính sách mới phải phản ánh tư duy mới của Đảng, phản ánh triết lý phát triển mới của Chính phủ, của đất nước mà giao sứ mệnh đó cho một địa phương với tư cách là trung tâm, là nơi có nền tảng tốt sẽ phải thực hiện cơ chế của cả nước.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên Tập Tạp chí Cộng sản |
Như vậy, phải tiếp cận làm sao để đây là câu chuyện của cả nước chứ không chỉ là câu chuyện của TPHCM. Khi những cơ chế chính sách mới được thông qua, với truyền thống của Đảng bộ TPHCM và những gì đã có, chắc chắn thành phố sẵn sàng có những cơ chế chính sách mới, vượt trội để giao cho các ngành, các địa phương của thành phố.
Bên cạnh đó, những cơ chế chính sách mới được thông qua, TPHCM phải tự thân hình thành cơ chế để phù hợp với sự phát triển. Tránh tình trạng khi lớn đến đâu, “áo” chật đến đó thì lại đi xin cái áo mới, lớn hơn.