Ruộng bầu bị cắt gốc bỏ do giá rẻ.
Bầu chỉ 500 đồng/kg, mướp hương 1.000 đồng/kg. Các loại khác như đậu bắp, đậu đũa, khổ qua cũng chỉ từ 1.000 đồng – 3.500 đồng/kg. Nhiều nông dân đành cắt gốc bỏ mặc cho ruộng bầu vẫn còn đầy trái, mướp chỉ mới thu hoạch được 2 lượt.
Công hái mỗi giờ 40.000 đồng một người, thu hoạch bầu bán không đủ tiền trả công hái. Ông Nguyễn Ngô Lộc ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành đã cắt gốc cả mấy công bầu đang cho thu hoạch. “Bấp bênh lắm. Mọi lần được 1.500 đồng/kg. Giờ chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, 500 đồng/ kg, tôi nhổ gốc bỏ luôn. Chờ 3 – 4 ngày tới bỏ hột khổ qua””- ông Lộc thở dài.
Chị Nguyễn Thị Khánh Chi ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành trồng bầu, khổ qua và bắp. Vợ chồng bỏ công ra làm, suốt ngày ở ngoài ruộng mà thu hoạch xong không có lời, giờ chỉ vớt vát chút nào hay chút đó. Chị Khánh Chi nói: “Đám bầu của em còn cắt, chứ đám bầu của nhỏ em nó cắt nó bỏ gốc luôn, chứ giờ rẻ quá mà để cắt hoài cũng lỗ”.
Ở xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, nhiều ruộng mướp khía bị bỏ, nông dân không thu hoạch, chờ dây khô để làm đất cho vụ mới. Ông Hồng Thanh Tú ở xã Mỏ Công vừa trồng khổ qua và mấy công bầu, cho biết: “Mướp rẻ quá, cắt gốc đặng làm lại vụ mới. Còn bầu thì cắt gốc hết rồi. Khổ qua thì cầm cự thôi chứ giờ giá cũng quá rẻ biết sao giờ, nhà nông khổ quá rồi!”.
Nông dân trồng rau cải ở xã Thái Bình, Trí Bình và thị trấn huyện Châu Thành đã phải trải qua những ngày lao đao. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thương, ở xã Thái Bình có nhiều người bán không hết phải đem bỏ.
Bà Nguyễn Thị Kim Phú ở xã Thái Bình nói: “Thu hoạch mấy đợt trước đã bỏ rất nhiều vì giá rất rẻ. Thương lái bán không được thì chúng tôi phải bỏ, cho chùa, cho những người đi làm từ thiện”. Bà Nguyễn Thị Kim Phú đã đổ bỏ hết 2 tấn rau cải, xà lách, húng, quế…
Vợ chồng ông Lý Thanh Phong ở xã Ninh Điền trồng dưa leo, đến ngày thu hoạch đầu vụ mỗi ký được 5.000 đồng. Chúng tôi đến ruộng dưa lúc hai vợ chồng ông Phong vừa hái xong, đang phân loại dưa, cho vô mỗi bọc 10kg, chờ cân cho thương lái đến hơn 12 giờ trưa chưa về nhà. Hai người cố gắng làm vì thuê người, tiền bán dưa không đủ để trả công hái.
Ông Lý Thanh Phong cho biết: “Bầu hiện thời thương lái vô tới đây mua có 500 đồng/kg, bí đao có 1.500 đồng, còn dưa leo thì được 5.000 đồng. Giá diêm tro cao, nông dân không có lời bao nhiêu hết. Công bẻ 40.000 đồng/ giờ. Mướn hai người, thấy hết 400.000 đồng rồi”.
Ông Bùi Thanh Dự (xã Ninh Điền) tâm tư về giá rau màu bấp bênh.
Chúng tôi gặp chị Vũ Thị Bích Hường ở ấp Thanh An, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên khi chị vừa mới thu hoạch khổ qua, trái nào cũng xanh mượt, bỏ từng bao 10kg chất lên xe tải nhẹ cho thương lái chở đi. Bán xong thương lái mới quay lại giao tiền. Chị Bích Hường nói: “Trồng 16 công khổ qua thì trúng mà giá quá tệ. Ngày đầu tiên thu hoạch được 6.000 đồng. Sau còn 3.500 đồng. Giờ muốn tàn rồi thì 4.500 đồng. Nói thẳng là mình lỗ. Ý là ở nhà 3-4 người bỏ công ra làm chứ không thuê mướn”.
Gia đình ông Lương Quang Mai ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành trồng rau cải các loại và xà lách khoảng 2.000 m2. Vụ này nắng gắt nên phải tưới nhiều, tiền điện, tiền công cao mà giá rau lại thấp.
Ông Lương Quang Mai than: “Năm nay giá thấp do thị trường tiêu thụ không hết nên bà con rất vất vả. Lứa rau vừa rồi bán giá cao nhất cũng 4.000 đồng -5.000 đồng/kg. Còn lại là 2.000 đồng/kg. Hai lứa rau vừa rồi bà con không có thu nhập đồng nào”.
Theo bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, không có năm nào giá rau màu tệ như năm nay.
Những ngày này, một số nông dân ráng thu hoạch vớt vát chút công sức đã đầu tư. Quá trưa nhưng ông Bùi Thanh Dự ở xã Ninh Điền vẫn ngồi lại trên ruộng khổ qua đang được bắc giàn. Ông cho biết, tiếp tục chăm sóc chứ không nỡ bỏ. Lâu nay trồng rau màu được xem như phó mặc cho sự may rủi. Bởi xuống giống một vụ, chăm sóc, thấp thỏm chờ thu hoạch, nhưng tất cả lại phụ thuộc vào thị trường, vào thương lái.
Một vụ rau màu buồn, cuộc sống của nông dân gặp nhiều khó khăn vì nguồn thu nhập không đủ cho chi tiêu. Nhiều nông dân đang trông chờ vụ màu kế tiếp giá cả sẽ khả quan hơn, bởi họ không thể bỏ đất.
Phương Nguyệt