TP HCMNữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích động, có suy nghĩ tự sát và được điều trị bằng kỹ thuật kích thích từ trường đi xuyên qua xương sọ.
Chị Đặng Ngọc Minh (20 tuổi, quận 3) được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vào đầu tháng 5. Người nhà chia sẻ, thời gian gần đây, Minh có các biểu hiện lạ như thường nói đến cái chết, chán nản, muốn ở một mình, không hợp tác, không có hứng thú với các hoạt động thường ngày. Minh còn tự làm đau bản thân để giảm cảm xúc tiêu cực.
BS.CKI Nguyễn Phương Trang (Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) thăm khám lâm sàng, thực hiện các đánh giá, chẩn đoán người bệnh bị trầm cảm nặng. Nếu không điều trị sớm, các bộ phận khác trong cơ thể (tim, huyết áp, dạ dày…) cũng bị ảnh hưởng. Người bệnh còn mất ngủ kéo dài, không kiểm soát được cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, dễ có hành vi làm tổn thương bản thân và người xung quanh.
Người bệnh được điều trị bằng thuốc và máy kích thích từ trường xuyên sọ để tác dụng nhanh, giảm lệ thuộc vào thuốc. Theo bác sĩ Trang, kỹ thuật mới này không xâm lấn, không gây đau, tạo ra các sóng điện tử đi xuyên qua xương sọ (công suất từ 3.000 đến 8.000 ampe). Các sóng này sẽ kích thích tế bào thần kinh và làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não tương ứng, mang lại hiệu quả.
Người bệnh được điều trị 6 liệu trình liên tục. Mỗi liệu trình kéo dài 5 ngày, mỗi ngày một lần. Sau đó, tiếp tục giãn cách mỗi tuần 1-2 lần cho đến khi hết triệu chứng. Sau liệu trình đầu tiên, bác sĩ đánh giá bệnh giảm hơn 50%, tiên lượng tốt. Hiện, chị Minh bắt đầu liệu trình thứ 4, 5, gần như không còn triệu chứng; ngủ ngon, vui vẻ hơn.
“Ban đầu nghe kích thích từ trường xuyên sọ, tôi sợ đau nên đắn đo. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên, thời gian thực hiện nhanh, không đâm chích và không gây đau nên tôi rất yên tâm”, người bệnh cho biết.
Bác sĩ Trang chia sẻ thêm, ngoài chữa lo âu, trầm cảm, kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ còn được áp dụng điều trị đau đầu, đau nửa đầu, các bệnh rối loạn thần kinh do thoái hóa như Parkinson, xơ cứng cột bên teo cơ, đa xơ cứng, suy giảm ý thức, Alzheimer… Kỹ thuật này cũng hỗ trợ phục hồi chức năng sau đột quỵ hoặc chấn thương não bộ, điều trị cai nghiện thuốc lá, nicotine, rượu bia… Đây là phương pháp điều trị ngoại trú, người bệnh có thể về nhà và sinh hoạt bình thường.
Dung Nguyễn
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.