Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phát biểu tại buổi họp báo
Tại buổi họp báo, đại diện đơn vị chủ trì, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người, sinh sống tại hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới.
Do đó, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là luôn coi trọng vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định là bộ phận không thể tách rời của dân tộc và là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, cũng như phát triển quan hệ với các nước trên thế giới.
Đảng và Nhà nước luôn nỗ lực hỗ trợ đồng bào ta ổn định cuộc sống, hội nhập ở các nước sở tại, đồng thời thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế, chính sách để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; dạy và học tiếng Việt hiệu quả hơn…
Đảng và Nhà nước cũng đổi mới và nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền đối ngoại, giúp những người Việt Nam xa xứ có thể hiểu rõ về tình hình đất nước.
Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình bày tỏ hy vọng chương trình Dấu ấn Việt Nam diễn ra trong thời gian sắp tới sẽ đáp ứng được nhu cầu của người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như trong nước, để hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam, về lịch sử, truyền thống, bản sắc và trí tuệ Việt Nam đến ngày hôm nay.
Giới thiệu về Chương trình “Dấu ấn Việt Nam”, ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho biết, Chương trình “Dấu ấn Việt Nam” là một trong những hoạt động quan trọng hưởng ứng Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”.
Đề án này được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào ngày 3.8.2022, với mục đích nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới và bạn bè quốc tế, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Đồng thời nhằm lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dậy tiếng Việt trong cộng đồng, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đặt nền tảng trong giai đoạn mới về phát triển vị thế tiếng Việt trên nhiều lĩnh vực giáo dục cộng đồng.
Khơi nguồn từ chương trình “Hãy nói tiếng nói người Việt trên thế giới” (tháng 6.2022), “Dấu ấn Việt Nam” được đầu tư nhiều mặt, với những sáng tạo thể hiện ngôn ngữ hình ảnh một cách sinh động với nhiều chuyên đề thiết thực, hấp dẫn, hướng tới một thương hiệu mới: Mang giá trị Việt đến với thế giới; khẳng định ngôn ngữ Việt, bản sắc Việt, trí tuệ Việt, hình ảnh Việt trong hội nhập.
Ông Mai Phan Dũng tin tưởng, thông qua cách thể hiện mới do VTV4 xây dựng, nội dung các chủ đề của Chương trình “Dấu ấn Việt Nam” sẽ thu hút sự quan tâm không chỉ của khán giả là người Việt Nam trong và ngoài nước mà kể cả khán giả nước ngoài, những người yêu mến tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Đồng thời, “Dấu ấn Việt Nam” sẽ thực sự đi vào đời sống, trở thành dấu ấn tích cực trong đời sống văn hóa, để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thêm gắn bó với quê hương, với đất nước, để văn hóa và ngôn ngữ dân tộc trở thành niềm tự hào, hành trang quan trọng trong hội nhập đời sống văn hóa nước sở tại, đồng hành cùng sự ổn định và phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và góp phần xây đắp cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Chương trình “Dấu ấn Việt Nam” sẽ được phát sóng từ tháng 5.2023 đến tháng 1.2025 trên kênh VTV4. Số mở đầu chương trình với chủ đề “Bác Hồ với sự trong sáng của tiếng Việt” được phát vào ngày 19.5.2023, nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Theo Ban Tổ chức, dự kiến sẽ có 12 đề tài trong năm 2023 được thực hiện trong Chương trình “Dấu ấn Việt Nam”: Bác Hồ với sự trong sáng của tiếng Việt (thực hiện tháng 5); Hình tượng Sen trong văn hóa Phật giáo Việt (tháng 6); Dấu ấn Việt Nam trong sứ mệnh nhân đạo/hòa bình quốc tế (tháng 7); Việt Võ Đạo: Dấu ấn võ Việt lan tỏa trên thế giới (tháng 8); “Lồng ghép” Đông Tây Y ở lớp thầy thuốc trẻ (Vinmec-Sao Phương Đông) (tháng 8); Dấu ấn của PGS.BS Phan Toàn Thắng trong công nghệ tế bào gốc (tháng 9); Hành trình của hạt gạo Việt Nam (tháng 9); Sâm Việt Nam: Báu vật của đất trời (tháng 10); Những bức ảnh ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới (tháng 10); UNESCO với văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam (tháng 11); Những ngôi chùa Việt trên thế giới (tháng 11); Phật hoàng Trần Nhân Tông – một biểu tượng văn hóa Việt Nam (tháng 12).
Ngoài ra, Ban Tổ chức cho biết, có thể thực hiện một số đề tài như: Bà Bùi Thị Hý, nữ doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam, Bộ xương của người Việt nói với chúng ta điều gì?, Người Việt và trí tuệ nhân tạo, Nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, Thời trang Việt ghi dấu ấn ở Hollywood…
Để nâng cao giá trị của từng chuyên đề, Ban Tổ chức đã quyết định thành lập Hội đồng khoa học gồm các chuyên gia có uy tín ở nhiều lĩnh vực, để tư vấn từ khâu kịch bản đến sản xuất chương trình.
Với sự hội tụ của nhiều chuyên gia và được sự quan tâm của cộng đồng hy vọng “Dấu ấn Việt Nam” sẽ là chương trình tỏa sáng giá trị nhân văn của Việt Nam trong quá trình phát triển của dân tộc, của đất nước; góp phần tôn vinh biểu tượng đẹp về lòng nhân ái của người Việt trong nước và trên thế giới. Nhiều thành tựu tiêu biểu, đặc sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam sẽ được quảng bá, giới thiệu trên nhiều phương tiện thông tin, truyền thông trong nước và quốc tế.
Chương trình “Dấu ấn Việt Nam” được sự bảo trợ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cùng Công ty Cổ phần Truyền thông Việt đồng hành cùng doanh nghiệp và Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Evacom Việt Nam phối hợp Ban Truyền hình Đối ngoại-VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện.
HOÀNG KHANH