Năm nào cũng vào thời điểm trung tuần tháng 5 này, một trong những dòng tít được giăng nhiều nhất trên mặt báo và cũng thu hút sự chú ý nhiều nhất là “tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập”. Chỉ riêng tại Hà Nội, “địa bàn” thi tuyển lớp 10 công lập luôn “nóng” nhất, năm học này, theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tỷ lệ chọi trung bình vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội năm nay khoảng 1/1,79. Cụ thể, số học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm nay là 129.210 em nhưng chỉ có khoảng 72.000 em – tương đương 55,7% sẽ được tuyển vào lớp 10 THPT công lập. Còn tại
TP.HCM, địa bàn thi tuyển lớp 10 “nóng” gay gắt, nếu không muốn nói là còn hơn. Ngày 12/5/2023, Sở GD&ĐT TP.HCM công bố số liệu thí sinh đăng ký nguyện vọng thi vào lớp 10, gồm các hệ thường (đại trà), chuyên và tích hợp. Hệ lớp 10 thường có hơn 96.000 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu là gần 77.300. THPT Nguyễn Thượng Hiền là trường có tỷ lệ chọi vào lớp 10 cao nhất với 1/3,5. Xếp thứ hai là trường THPT Gia Định với tỷ lệ chọi 1/3, tiếp theo là trường Nguyễn Hữu Huân và Nguyễn Thị Minh Khai với tỷ lệ chọi lần lượt là 2,6 và 2,4.
Điều đáng nói là “tỷ lệ chọi lớp 10 THPT công lập” liên tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Đơn cử như tại Hà Nội tỷ lệ chọi lớp 10 công lập năm nay 1/1,79 là cao nhất trong 3 năm qua. Năm ngoái tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập trung bình 1 chọi 1,67 và năm 2021 là 1 chọi 1,61. Còn tại TP.HCM, trong 5 năm qua, tỷ lệ chọi tuyển sinh vào lớp 10 của nhiều trường THPT tại TP.HCM biến động không ngừng. Trường có tỷ lệ chọi nguyện vọng 1 dẫn đầu nhiều năm là Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, với đỉnh điểm ở mức 1 chọi 4,4; tức là hơn 4 thí sinh mới lấy 1 người. Ở năm học trước, tỷ lệ này có giảm nhưng 2,99 vẫn là mức… “cao lè lưỡi” – như nhiều học sinh và phụ huynh ví von.
Với tỷ lệ 55,7% học sinh đỗ vào lớp 10 công lập, có nghĩa gần một nửa số học sinh Hà Nội tham gia kỳ thi THPT 2023 đành ngậm ngùi chấp nhập trượt. Chỉ tiêu thấp, tỷ lệ chọi cao, điểm chuẩn lên xuống ngất ngờ theo từng năm… tất cả đã khiến “cửa vào trường công ngày càng hẹp” trở thành là thực tế được nhiều bậc phụ huynh có con thì lớp 10 THPT chua chát thừa nhận nhiều năm qua. Bản thân những người làm giáo dục, như thầy Nguyễn Minh Phi – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng thừa nhận: “Tỷ lệ 55,7% học sinh được vào học các trường THPT công lập hơi thấp. Tuy nhiên, hiện tại số trường công lập không đủ để đáp ứng nhu cầu học của học sinh”.
Điều đáng buồn là khi chia sẻ về giải pháp để “mở rộng cánh cửa lớp 10 công lập”, Sở GDĐT Hà Nội cho biết những năm gần đây, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc ưu tiên quỹ đất dành cho giáo dục; tăng cường nguồn lực để xây dựng, cải tạo trường, lớp học. Nhưng hiệu quả đạt được vẫn là rất ít ỏi.
Và như vậy, khi các giải pháp khả thi chưa tìm thấy, khi cánh cửa lớp 10 trường công ngày càng khép chặt lại thì các em học sinh sẽ về đâu, sẽ có thể chọn những nơi nào làm bến đỗ cho sự tu dưỡng 3 năm cấp 3 của mình? Đây thực sự là câu hỏi không dễ trả lời, thậm chí còn gây nhiều tranh cãi.
Năm học 2023-2024, theo Sở GD&ĐT TP.HCM, các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề tại TP.HCM có thể tiếp nhận khoảng 51.000 học sinh lớp 10. Cụ thể, ở hệ giáo dục ngoài công lập, năm học 2023-2024 sẽ thực hiện tuyển sinh 30.394 chỉ tiêu ở 90 trường THPT ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài, trường quốc tế. Còn tại Hà Nội, như đã nói, chỉ tiêu tuyển sinh khối trường lớp 10 công lập chỉ có 72.000 em (chiếm 55,7%). Số còn lại, gần 50.000 học sinh sẽ học ở các trường THPT tư thục, Trung tâm GDTX – GDNN và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Rõ ràng, ngoài lớp 10 công lập còn rất nhiều sự lựa chọn nhưng chọn cái gì lại là vấn đề. Câu chuyện theo học tại các Trung tâm GDTX – GDNN và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dường như là giải pháp ít được các phụ huynh hướng tới nhất khi định hướng cho con mình. Nguyên do của thực tế này theo TS. Phạm Tất Dong – nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, việc định hướng rằng không thi đỗ THPT công lập, buộc phải đi học nghề, sẽ tạo ra định kiến, ai dốt sẽ phải đi học nghề.
Còn với trường dân lập, thì “tiền đâu để theo học?” là câu hỏi nhãn tiền lơ lửng trước mắt hầu hết các phụ huynh. “Việc xác định học trường dân lập giúp con và gia đình bớt áp lực dù học phí đắt hơn” – thực tế ấy nhiều phụ huynh đều biết, đều ý thức rõ nhưng xét trên bình diện phổ biến hiện nay, tỷ lệ hộ gia đình có khả năng chu cấp cho con không phải là đa số. Ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay, mức học phí của phần đa các trường tư thục thường dao động trên dưới 5 triệu đồng/tháng và đây là một khoản không nhỏ với nhiều gia đình. “Thu nhập của cả 2 vợ chồng chỉ khoảng 15 triệu đồng phải lo ăn uống, sinh hoạt cho cả gia đình, khó có thể trang trải cho con học trường dân lập”, “Nếu con đỗ trường THPT công lập, mức học phí vừa phải, ổn định. Còn nếu con học trường THPT dân lập, chi phí tốn kém hơn rất nhiều” – những lý giải ấy có lẽ không của riêng một phụ huynh nào.
Trẻ em có quyền được học hành… vì thế rõ ràng, tìm kiếm đáp án cho câu hỏi “trượt lớp 10 công lập thì học ở đâu?” vẫn sẽ phải là câu hỏi phải nhanh chóng có lời giải thỏa đáng. Gia tăng sức hấp dẫn, cải thiện chất lượng cũng như làm thay đổi cách nhìn về giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đặc biệt, tầm nhìn về quy hoạch trường lớp, tăng tỉ lệ học sinh vào trường THPT công lập dựa trên cơ sở hạ tầng thuận lợi, gia tăng quỹ đất xây dựng trường… vẫn sẽ là những “vấn đề cần làm ngay” hiện nay.
Nguyễn Hà