Vị du khách già người Nhật Bản đã đứng lặng yên rất lâu trước tấm phản gỗ trong căn nhà tranh vách nứa ở Làng Sen. Ông đề đạt một nguyện vọng khiến thuyết minh viên sửng sốt, nghẹn ngào…
Tìm lại hơi ấm của Hồ Chí Minh nơi quê Người
Cứ mỗi độ tháng 4, tháng 5 hằng năm là quãng thời gian cao điểm của cán bộ, nhân viên Phòng Tuyên truyền giáo dục khi mỗi ngày đón tiếp hàng nghìn lượt du khách tới thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Đặc biệt, riêng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, có ngày khu di tích đón gần 2.000 đoàn khách về thăm quê Bác.
Trong chiếc áo dài màu cánh sen và chiếc nón bài thơ xứ Nghệ, giữa cái nắng 39-40 độ C, những thuyết minh viên, bằng chất giọng đặc biệt của mình, vẫn cần mẫn giới thiệu đến du khách về căn nhà tranh vách nứa đơn sơ, về những vật dụng sinh hoạt giản dị gắn với thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân của Bác.
Khi du khách trong nước, các thuyết minh viên cảm nhận được sự thân thuộc của những người con xa xứ trở về với quê chung, về với cội nguồn; thì những du khách nước ngoài luôn để lại cho họ những cảm xúc đặc biệt.
Dù đã về làm công tác quản lý nhưng chị Nguyễn Thị An Vinh (48 tuổi, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền giáo dục) vẫn nhớ như in câu chuyện về một vị khách đến từ Nhật Bản. Thời điểm đó, chị Vinh vừa thi tuyển vào làm thuyết minh viên ở đây được 2 năm. Vào một ngày cuối năm 1998, thời tiết khá lạnh, chị Vinh được phân công đón tiếp một vị du khách nước ngoài. Đó là một cụ già người tầm thước, khuôn mặt đã hằn nhiều nếp nhăn nhưng vẫn toát lên vẻ mẫn tiệp. Ông chăm chú nghe người phiên dịch dịch lại lời thuyết minh viên giới thiệu từng hiện vật gắn với 5 năm tuổi thơ của Bác Hồ trong căn nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen.
Ông đứng lặng rất lâu trước bộ phản gỗ, nơi Nguyễn Tất Thành và anh trai ngủ mỗi đêm. Tấm phản này, sau đó được cụ Phó Bảng cho người bà con mượn, không may bị cháy một góc do đốt than sưởi mùa đông. Khi sưu tầm về, Ban quản lý di tích đã cưa đoạn bị cháy đi. Trong lần về thăm quê sau 50 năm xa cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn phát hiện tấm phản đã ngắn hơn trước.
“Nghe tôi giới thiệu về tấm phản, vị khách người Nhật hết sức xúc động, ông ấy khóc rồi dè dặt hỏi “Liệu tôi có thể ngồi lên tấm phản này một chút để tìm lại hơi ấm của Hồ Chí Minh được không? Tôi ngạc nhiên, sửng sốt trước lời đề nghị này nhưng nước mắt lại ứa ra. Chắc hẳn ông phải yêu quý Hồ Chủ tịch nhiều lắm mới có đề nghị đặc biệt như thế”, chị An Vinh nhớ lại.
Mỗi năm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên đón hàng triệu lượt khách về thăm, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Đặc biệt, với nhân dân các bộ tộc Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng về tình đoàn kết Việt Nam – Lào, xây dựng và vun đắp tình cảm tốt đẹp giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Người cũng chính là biểu tượng vĩ đại cho khát vọng độc lập tự do, đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp vì hòa bình của nhân dân thế giới. Bởi vậy, hàng năm, có rất nhiều đoàn du khách Lào, từ các vị lãnh đạo tới người dân, về với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chị An Vinh kể tiếp: “Lần đó, tôi đón một đoàn du khách nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thăm làng Hoàng Trù quê ngoại Bác. Các bạn đề nghị được nghe thuyết minh bằng tiếng Việt, không qua phiên dịch. Nghe về tất cả hiện vật nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, những tiếng thổn thức vang lên. Các bạn ấy khóc khiến bản thân tôi cũng bị cuốn vào cảm xúc ấy. Trong căn nhà tranh đơn sơ chúng tôi ôm nhau, cùng hát vang bài hát “Tình Việt – Lào anh em: “Em ở bên này Tây Trường Sơn/ Anh ở bên này Đông Trường Sơn/ Luôn gửi cho nhau khúc hát ân tình…/ Hai nước nghe chung tiếng gà gáy sáng/ Đất nước Chăm Pa, đất nước Tiên Rồng/ Chung bước đi lên xây đắp mối tình/ Tình Việt Lào anh em…”.
Chất xúc tác đặc biệt
Phòng Tuyên truyền giáo dục có 20 cán bộ thì 3 người làm công tác quản lý, 3 người làm nhiệm vụ đón tiếp các đoàn du khách đăng ký, còn 17 thuyết minh viên phụ trách hướng dẫn, giới thiệu tại Làng Sen quê nội, Hoàng Trù quê ngoại Bác, khu mộ bà Hoàng Thị Loan và đền Chung Sơn – nơi thờ phụng người thân của Bác.
Có thể thấy áp lực công việc của đội ngũ thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên là rất lớn, nhất là những ngày cao điểm đón khoảng 20.000 du khách. Bằng chất giọng trầm ấm, đặc trưng thổ âm xứ Nghệ nhưng tròn vành, rõ tiếng, họ đã đưa du khách quay về thuở xưa, nơi Bác Hồ đã trải qua quãng đời ấu thơ hay 2 lần Người về thăm quê vào các năm 1957, 1961. Với các thuyết minh viên, du khách vừa là đối tượng phục vụ, đồng thời là nguồn cảm hứng, chất xúc tác đặc biệt để họ luôn thấy công việc của mình mới mẻ, thu hút.
Giữa những ngày tháng 5 nơi mảnh đất xứ Nghệ ân tình, dù ngày thường hay cuối tuần, các thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên hầu như đều làm việc hết công suất. Tranh thủ chờ đoàn du khách tiếp theo, chị Phùng Thị Hương Giang lui vào tránh nắng dưới bóng râm. Nhấp một hớp nước, chị Giang cười: “Bí quyết giữ giọng của thuyết minh viên quê Bác đấy”. Trung bình một ngày mỗi thuyết minh viên phải trực tiếp hướng dẫn, giới thiệu hơn 20 đoàn khách, ngày cao điểm thì có thể gấp đôi, thậm chí gấp 3, tối về cổ họng đau, khản đặc, họ phải dùng nước muối ấm để giữ giọng.
“Thường thì tháng 4 đến tháng 9, vừa là thời gian có nhiều ngày lễ lớn, vừa là thời điểm học sinh nghỉ học nên lượng du khách về thăm quê Bác nhiều hơn các thời điểm khác trong năm. Đứng nói hàng tiếng đồng hồ dưới nắng nóng mệt lắm chứ, nhưng chứng kiến sự xúc động của du khách, thấy được tình cảm của du khách đối với Bác và quê hương của Bác, chúng tôi quên hết mệt nhọc, cố gắng truyền tải trọn vẹn nhất về Bác và quê hương Bác tới mọi người. Chúng tôi, có những người gắn bó với công việc gần 30 năm nhưng lúc nào cũng thấy công việc mới mẻ, thu hút, bởi lẽ ngoài trách nhiệm với công việc, tình cảm của bản thân dành cho Bác, chúng tôi luôn nhận được “chất xúc tác” tích cực từ chính những du khách khi đến với quê chung”, chị Phùng Thị Hương Giang (48 tuổi) chia sẻ.
Hồi đầu năm, chị Giang đón tiếp một vị khách khá đặc biệt, ông đến từ Malaysia và nói tiếng Việt rất giỏi. Ngạc nhiên hơn là ông hiểu biết sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất xúc động khi đến thăm ngôi nhà tranh 2 gian nhỏ bé tại làng Hoàng Trù – nơi Bác cất tiếng khóc chào đời.
“Nghe tôi giới thiệu về từng vật dụng như cánh võng gai, khung cửi nơi đêm đêm bà Hoàng Thị Loan vẫn dệt vải, ru con và thức cùng người chồng đang dùi mài kinh sử, ông đứng lặng người rất lâu. Ông ấy bảo, rất yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về Người nhưng không ngờ một nhân cách lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh lại sinh ra ở một nơi giản dị, đơn sơ đến khó tưởng tượng như thế này”, chị Giang kể.
18/05/2023
Dantri.com.vn