TP HCMNgười phụ nữ 34 tuổi, bị xương cá rô phi đâm thủng thực quản, sát động mạch chủ, nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngày 17/5, đại diện Bệnh viện Bình Dân, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau tức ngực và mệt nhiều. Trước đó, người phụ nữ mua 1,3 kg cá rô phi về rán ăn, sau đó thấy khó chịu vùng cổ, tức ngực. Cơn đau ngày càng tiến triển, bệnh nhân đi khám và được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, kê thuốc uống.
Hai ngày sau, tình trạng đau tức không thuyên giảm, bệnh nhân được chụp CT- scan, phát hiện hình ảnh dị vật giống xương cá xuyên thủng thành thực quản, tiến tới nằm sát cung động mạch chủ ngực.
Người bệnh được chuyển sang Bệnh viện Bình Dân do vị trí dị vật nguy hiểm. Ê kíp khoa Phẫu thuật Tim – Mạch máu, Ngoại tiêu hóa, Nội soi Tiêu hóa và Gây mê Hồi sức của Bệnh viện Bình Dân đã phối hợp với bác sĩ từ Viện tim TP HCM phẫu thuật cứu người bệnh.
Bác sĩ Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim-Mạch máu, cho biết bệnh nhân đối mặt cùng lúc hai vấn đề lớn, đầu tiên là nguy cơ dị vật đâm thủng động mạch chủ ngực, gây mất máu cấp lượng lớn, có thể dẫn đến tử vong. Tiếp theo, thực quản thủng khiến các vi khuẩn xâm nhập vào trung thất, gây viêm tụ mủ trung thất, một biến chứng rất nặng nề, cũng đe dọa tính mạng.
Do đó, các bác sĩ cần can thiệp phẫu thuật nhanh chóng để thực hiện đồng thời 3 mục tiêu trong một cuộc mổ, gồm khâu lỗ thủng động mạch chủ ngực, lỗ thủng thực quản và lấy dị vật khỏi cơ thể người bệnh.
Nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn, ê kíp đạt được ba mục tiêu, lấy ra dị vật là mẩu xương cá có chiều dài khoảng 3 cm, chiều rộng 0,6 cm, nằm cao sát cung động mạch chủ trên.
Bác sĩ Nguyễn Phú Hữu, Phó khoa Ngoại Tiêu hóa, cho biết trong những trường hợp cấp cứu nuốt dị vật đường tiêu hóa, xương cá là dị vật thường gặp nhất.
“Tuy nhiên, trường hợp xương cá đâm thủng thực quản rồi xuyên qua các tổ chức cơ, làm rách động mạch chủ ngực như trường hợp này rất hy hữu và cực kỳ nguy hiểm”, ông Hữu nói.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi chế biến món ăn, cần lấy lấy sạch xương cứng và sắc để tránh nguy cơ nuốt phải dị vật. Trong hoặc sau bữa ăn, nhất là đang tiêu thụ thực phẩm có xương cứng và sắc, nếu thấy đau đột ngột ở ngực, bụng thì nên nghĩ khả năng nuốt phải xương. Lúc đó, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
“Đừng cố nuốt thêm thức ăn, uống nước cho ‘trôi’ vì có nguy cơ tổn thương ống tiêu hóa dẫn tới nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ khuyên.
Mỹ Ý