Ngày 12/5, tại phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn do Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều đại biểu đã lên tiếng cảnh báo khi thành phố vẫn còn hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hơn 4.000ha đất canh tác không hiệu quả, chỉ làm một vụ hoặc canh tác mang tính tận dụng.
Có một nghịch lý là trong khi rất nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô loay hoay, vì không được hướng dẫn xây dựng công trình hạ tầng để làm nông nghiệp công nghệ cao, thì lại xuất hiện rất nhiều mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, mà bị biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng. Các đại biểu đề nghị làm rõ và yêu cầu thanh tra việc xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp.
Hội đồng nhân dân thành phố cũng chỉ rõ nguyên nhân của các chậm trễ nêu trên là do công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, người dân tiếp cận chính sách còn hạn chế. Nhiều quy định liên quan đến phương thức tổ chức triển khai, thủ tục hành chính để tiếp cận chính sách còn rườm rà, cho nên các đối tượng thụ hưởng không muốn tham gia. Việc thực hiện các thủ tục vay vốn, thế chấp tài sản để đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong thực tế vẫn rất khó khăn.
Tuy nhiên bên cạnh những bất cập đó, ở nhiều địa phương tại Hà Nội đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau màu, nuôi trồng thủy sản… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao.
Đơn cử tại huyện, thời gian qua, huyện đã chuyển đổi gần 530ha đất trồng lúa kém hiệu quả, gặp khó khăn về hệ thống tưới tiêu sang các loại cây trồng có giá trị như thảo dược, rau hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần trồng lúa như: vùng trồng rau hữu cơ – rau an toàn VietGAP, rau công nghệ cao với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh…; vùng trồng cây ăn quả với quy mô từ 5ha trở lên tại các xã: Phú Cường, Phú Minh, Nam Sơn…; vùng trồng cây dược liệu, thảo dược với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Bắc Sơn, Minh Trí, Xuân Giang…
Còn tại huyện Đông Anh, nhờ quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180 ha; trong đó, có hơn 500 ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn, đến nay huyện đã kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung.
Tại huyện Thường Tín, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 1.745ha tại các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên…; vùng sản xuất rau an toàn 545ha tại các xã: Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.159ha tại các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến…
Từ các vùng sản xuất, Thường Tín đã hình thành được 14 mô hình liên kết chuỗi, 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo báo cáo mới đây của TP. Hà Nội, hiện thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn NTM; 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện. Toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2.167 sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, đứng đầu cả nước; hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp được quan tâm, dần đi vào hiệu quả…
Nông dân xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) thu hoạch khoai tây vụ đông.( Ảnh: Hoàng Nga)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, để nâng cao hiệu quả triển khai trong thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp tại Thủ đô, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc vai trò, ý nghĩa, yêu cầu của phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả cao, chuyên canh tập trung, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Thành phố tập trung hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặc biệt quan tâm xác định phương án tổ chức khu vực nông thôn, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và sớm thông tin để các địa phương và doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, thành phố sẽ khẩn trương rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô giai đoạn đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo gắn với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp để tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất, phấn đấu để Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Năm 2023, dự kiến thành phố Hà Nội thực hiện chuyển đổi hơn 3.838ha. Trong đó có hơn 1.119ha là chuyển đổi sang trồng cây lâu năm; khoảng 995ha là trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, còn lại là chuyển sang trồng cây hằng năm. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình về ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, giống mới vào canh tác, khắc phục tình trạng đất bỏ hoang, canh tác không hiệu quả…