Trong báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, không gian phát triển kinh tế – xã hội của Đồng Nai được định hướng phát triển theo mô hình đa cực với 3 khu vực đóng vai trò động lực.
Đô thị Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh. Ảnh: L.VĂN |
Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đông Nam bộ. Do đó, tỉnh có lợi thế thuận lợi trong kết nối với các vùng kinh tế lân cận gồm: vùng duyên hải Nam Trung bộ; vùng Tây nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
* 3 vùng phát triển kinh tế – xã hội
Đồng Nai có đầy đủ các loại hình giao thông kết nối đường bộ, đường sắt, đường sông và tới đây là đường hàng không. Các loại hình giao thông trên sẽ giúp cho liên kết của tỉnh với các vùng kinh tế trở nên xuyên suốt. Từ những lợi thế trên, trong phương án tổ chức không gian, liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh đã đưa ra định hướng về các vùng kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.
Theo ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, đại diện liên danh tư vấn, tổng thể toàn tỉnh sẽ phân ra 3 vùng phát triển kinh tế – xã hội vừa mang tính kế thừa quy hoạch kỳ trước, vừa bổ sung điểm mới. Điểm mới trong phân vùng phát triển kinh tế – xã hội của quy hoạch lần này là việc đưa khu vực H.Vĩnh Cửu phía dưới hồ Trị An vào vùng phát triển kinh tế động lực.
Với định hướng trên, các vùng phát triển của tỉnh có: vùng phía Tây Nam, bao gồm các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP.Biên Hòa và một phần H.Vĩnh Cửu; vùng phía Đông bao gồm các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh; vùng phía Bắc bao gồm các huyện: Định Quán, Tân Phú và một phần H.Vĩnh Cửu.
Đánh giá về việc đưa khu vực H.Vĩnh Cửu vào vùng phát triển kinh tế động lực, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, tiềm năng phát triển của H.Vĩnh Cửu sẽ có sự khác biệt rất lớn khi tuyến đường vành đai 4 – TP.HCM được đầu tư xây dựng. Khi có đường vành đai 4 – TP.HCM, vị thế của H.Vĩnh Cửu sẽ khác đi. Bởi, so với nhiều tỉnh khác trong khu vực, khoảng cách từ H.Vĩnh Cửu đến khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải vẫn gần hơn nên sức hút đối với các nhà đầu tư cũng lớn hơn.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho hay, huyện đã đề xuất quy hoạch phát triển thêm các khu công nghiệp để tận dụng lợi thế của tuyến đường vành đai 4 – TP.HCM trong tương lai.
* Xác định các cực kinh tế động lực
Từ phương án tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội, mô hình phát triển của tỉnh cũng được xác định là mô hình phát triển đa cực với 3 khu vực có vai trò động lực.
Khu vực H.Vĩnh Cửu phía dưới hồ Trị An được đưa vào vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh. Trong ảnh: Một góc TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu) |
Cụ thể, 3 cực kinh tế động lực của tỉnh được xác định gồm có: TP.Biên Hòa, H.Long Thành – H.Nhơn Trạch và TP.Long Khánh.
Đối với cực phát triển khu vực đô thị Biên Hòa, tiềm năng phát triển được định hình là phát triển các đô thị dịch vụ, công nghiệp; đô thị đổi mới sáng tạo và đô thị quốc tế. Trong phát triển đô thị, khu vực này sẽ có 4 đô thị chính gồm: TP.Biên Hòa, Trảng Bom, đô thị mới Thạnh Phú và TT.Vĩnh An thuộc H.Vĩnh Cửu.
Trong khi đó, cực Long Thành – Nhơn Trạch được định hướng tiềm năng phát triển các đô thị sinh thái ven sông, trung tâm mua sắm outlet, trung tâm giáo dục đổi mới sáng tạo, hệ thống logistics xuyên suốt và phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao. Khu vực này sẽ có các đô thị là Long Thành, Nhơn Trạch, đô thị mới Sông Nhạn và đô thị Phước An.
Với cực kinh tế động lực Long Khánh, các tiềm năng phát triển được xác định là phát triển du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ du lịch. Các đô thị trong khu vực này gồm có TP.Long Khánh, Gia Ray, Định Quán, Tân Phú, Long Giao và các đô thị mới: La Ngà, Phú Túc, Phú Lý.
Theo liên danh đơn vị tư vấn, 3 vùng phát triển kinh tế – xã hội của Đồng Nai sẽ có các chức năng dựa trên thế mạnh của từng vùng, cụ thể:
Vùng phía Tây Nam có chức năng phát triển công nghiệp – đô thị – dịch vụ mật độ cao; dịch vụ tài chính, ngân hàng, nghiên cứu và đào tạo; du lịch thông minh gắn với sân bay; dịch vụ logistics và các dịch vụ phục vụ cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành; phát triển cảng nước sâu.
Vùng phía Đông có chức năng phát triển công nghiệp công nghệ cao tân dụng sân bay Long Thành; chăn nuôi tập trung; hình thành các trung tâm dịch vụ, thương mại tiếp giáp với khu đô thị sân bay.
Vùng phía Bắc có chức năng là vùng chăn nuôi tập trung; phát triển nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao; phát triển vùng chuyên canh trồng cao su, điều, trồng rừng; phát triển du lịch sinh thái rừng, hồ, thác gắn với công tác bảo tồn thiên nhiên; phát triển công nghiệp mật độ thấp, gắn với các ngành ít phát thải.
|
Lê Văn
.