Miếu Bà Thiên Hậu- phường 2
Nhiều người dân khu vực thành phố Tây Ninh chỉ biết trên địa bàn có một ngôi thờ bà Thiên Hậu. Nay xin cải chính lại, là khu vực Thành phố và các xã lân cận có tới hai ngôi miếu thờ bà Thiên Hậu.
Ngôi thứ nhất ở trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc khu phố 3, phường 2; ngôi thứ hai ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành- xã tiếp giáp với phường 1, thành phố Tây Ninh. Ngôi này ít người biết hơn. Có thể do cái tên, theo cách gọi xưa nay của người dân địa phương là cổ miếu Gia Gòn.
Có điều cần nói ngay là, sách Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch in năm 2014, trong bài về Thiên Hậu miếu có đoạn: “một ngôi của nhóm người gốc Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Kinh xây dựng để thờ bà Thiên Hậu…”.
Điều này cần được cải chính, vì… sai. Đúng ra phải như đoạn viết trong sách Địa chí Tây Ninh (UBND tỉnh Tây Ninh, 2005, trang 105) về cộng đồng người Hoa như sau: Tại thị xã Tây Ninh, người Phúc Kiến tập hợp thành nhóm độc lập bên trong cơ sở tín ngưỡng- xã hội của họ là miếu Quan Thánh Đế quân.
Trong khi đó, người Triều Châu, người Quảng Đông, người Hẹ và người Hải Nam thì quần tụ dưới mái Thiên Hậu miếu. Sách Tây Ninh Đất và Người (Nxb Thanh niên, 2020) cũng có bài về tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa ở Tây Ninh. Nhưng các tác giả không nhắc đến miếu Gia Gòn.
Tại mục về miếu Thiên Hậu, tuy đã khá chính xác về các chi tiết, trong đó về nguồn gốc do các nhóm người Hoa: Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam và Hẹ cùng góp tay xây dựng; nhưng có lẽ đã có sự nhầm lẫn khi xác định: “Buổi đầu, miếu được xây dựng đơn sơ bằng cây vào năm 1903…”.
Nếu vậy, thì làm sao mà ngôi miếu đã có một chiếc lư hương đá (granite) được người dân “cúng hiến” vào năm “Quang Tự thứ 13 (1887)” như những chữ Hán đã khắc trên một bên tai của chiếc lư.
Cũng nhờ chi tiết này, mà sách Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh đã xác định được thời điểm xây miếu là vào khoảng năm 1887. “Lúc đầu dựng tạm bợ bằng mái tranh, tre, lá. Đến năm 1905 (Quang Tự thứ 31) ngôi miếu đã được làm lại bằng cột gỗ quý, lợp ngói.
Đến năm 1955, miếu được tu sửa lớn…”. Những năm này đều có dấu tích vật chất để lại. Ngoài chiếc lư đá còn có tấm gỗ điêu khắc treo ở tiền đình. Điêu khắc gỗ tinh xảo, mô tả lại các tầng bậc trong xã hội theo Nho giáo của Trung Quốc…
Ngoài ra còn có một đôi liễn đối bằng gỗ sơn đỏ, chữ vàng. Một bên: Hạo đán trường lưu thuỷ; bên kia: Hân kim cao nga sơn. Có nghĩa rằng: Mênh mông như dòng nước Trường Giang; Sừng sững cao như núi Nga Sơn. Đấy là sự tụng ca công đức của Bà Thiên Hậu. Tấm điêu khắc và đôi liễn đối đều được hiến tặng vào năm Quang Tự thứ 31 (1905).
Vậy bà là ai? Ta có thể tìm câu trả lời của các nhà nghiên cứu uy tín ở Nam bộ như Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường trong sách Đình Nam bộ xưa và nay (Nxb Đồng Nai, 1999).
Theo đó: “Thiên Hậu thánh mẫu là nữ thần phù hộ người đi biển của bà con người Hoa. Bà vốn là con gái họ Lâm, người đời Tống Huy Tông ở tỉnh Phước Kiến, sinh năm 1104, mất năm 1119 lúc mới 16 tuổi. Tương truyền gia đình cô sinh sống bằng nghề buôn bán đường biển.
Cô tu tiên đắc đạo, hiển lộng thần thông cứu được hai người anh ruột mình và nhiều người khác bị nạn bão tố. Bà được phong thần sau 3 năm khi mất. Người Hoa từ lục địa đi ra ngước ngoài lập nghiệp thường theo đường biển nên bà được tôn thờ khắp vùng Đông Nam Á.
Đối với người Việt Nam bộ, người ta cũng tin bà là nữ thần phù hộ cho nữ Thiên Y A Na hay Chúa xứ…”. Đáng chú ý là trên ban thờ chính, ngoài pho tượng Bà cao gần 1m50, khoác áo dài đỏ lóng lánh kim tuyến, trên đầu đội mão kết hình chim phượng từ nhiều viên đá quý; thì hai bên bà còn là 2 “cậu” tiểu đồng, bế em bé trên tay.
Hình tượng này khiến người ta liên tưởng đến hình tượng nữ thần Chăm- Thiên Y A Na, thường có hai “cậu” theo hầu gọi là cậu Tài, cậu Quý. Tại cổ miếu Gia Gòn lại không thấy tượng 2 cậu, chỉ có tượng bà Thiên Hậu ở giữa, bên phải và trái là tượng các bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Linh Sơn Thánh Mẫu (núi Bà Đen).
Đã xuất hiện một nghịch lý là: nơi được gọi là cổ miếu lại không có nguồn gốc xa xưa như Thiên Hậu miếu. Trước kia từng có bài viết in trên Báo Tây Ninh về cổ miếu Gia Gòn, nhưng cũng không xác định được thời gian xây dựng. Nay, theo ông Lương Huệ Linh, từng là người quản lý Thiên Hậu miếu thì: miếu Gia Gòn mới chỉ có từ khoảng năm 1940.
Lý do là ở ấp Thanh Trung năm ấy có nhà máy đường của ông Quách Đàm mua lại vào thập niên 20 của thế kỷ trước. Công nhân người Hoa lên sinh sống và làm việc tại Thanh Điền khá đông. Miếu Gia Gòn được xây để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của công nhân người Hoa.
Cứ theo cấu trúc các ban thờ, như tượng chính là Bà Thiên Hậu, hoặc mô hình con tàu biển được đặt tại vị trí trang trọng, cũng biết đấy là miếu thờ bà. Tuy vậy, theo các cụ trong ban hội miếu trước đây, ngay từ khi họ Trương ở Thanh Điền lên đây lập nghiệp từ hơn trăm năm trước thì nơi đây đã có một ngôi miếu nhỏ.
Vậy cũng không loại trừ giả thuyết là trước khi có người Hoa đến vào thập niên 20 thế kỷ 20, đã từng có ngôi miễu thờ ông Tà hoặc bà Linh Sơn, bà Chúa Xứ. Khi nhà máy đường được xây dựng nơi đây mới có sự tôn tạo, trùng tu miếu để có sự kết hợp, phối thờ.
Nói cách khác, kết quả này có thể là do sự giao thoa và tiếp biến văn hoá của tín ngưỡng dân gian người Việt với người Hoa. Điều này càng thấy rõ hơn, khi quanh sân ngôi miếu chính ở Gia Gòn, Thanh Điền còn có nhiều ngôi miễu thờ các vị: Thần tài, Thổ địa, Sơn thần, Lục tà, 12 vị Tà Á Rặc và cả miễu Binh gia chiến sĩ.
Như vậy, kể từ trung tâm tới vùng ven thành phố Tây Ninh, ít ra là đã có 2 ngôi miếu thờ Bà Thiên Hậu. Sắp tới đây, ngày 16, 17.3 âm lịch ở miếu Gia Gòn và 23.3 ở Thiên Hậu miếu phường 2 có lễ cúng lớn trong năm.
Ai thích xem không khí cúng lễ rộn ràng cổ kính trong một không gian kiến trúc thuần Hoa thì đến Thiên Hậu miếu. Ai muốn dự lễ trong một không gian cởi mở, tràn trề bóng cây xanh và sen lúa đồng bưng thì tới miếu Gia Gòn. Đâu thì cũng là một không gian trang trọng với các nghi lễ trang nghiêm truyền thống của miền đất này được trao truyền lại qua nhiều thế hệ suốt thời gian trên dưới 100 năm.
Trần Vũ