Thư viện thân thiện Trường Tiểu học 3 Khánh Bình (Ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) được đầu tư nâng cấp năm 2021 do Tổ chức Room to Read (tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục), thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học. Theo đó, khi hợp tác với địa phương, Room to Read cải tạo, sửa chữa thư viện, hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn cho nhân viên quản lý thư viện, cung cấp các trang thiết bị an toàn, thân thiện, phù hợp với học sinh, như kệ sách, sách, bàn, tài liệu giáo dục… để hướng đến mục tiêu giúp học sinh phát triển thói quen đọc sách, phát triển kỹ năng đọc để trở thành người đọc độc lập. Kinh phí dự án sẽ được hỗ trợ tuỳ vào tình hình trang thiết bị của mỗi trường.
Thư viện thân thiện giúp các em học sinh hứng thú với việc đọc sách. |
Mỗi tuần học sinh sẽ có từ 1-2 tiết đọc, mỗi tiết duy trì trong 35 phút, sức chứa của phòng đọc thư viện khoảng 40 em. Chị Lý Thị Hồng Nga, quản lý thư viện, chia sẻ: “Tôi gắn bó với thư viện đã hơn 10 năm, từ khi có thư viện thân thiện, các em thích đến đọc sách nhiều hơn và đọc vô cùng say mê, thoải mái, cảm giác rất gần gũi. Tại đây phân loại sách theo mã màu, các em có thể tự lựa chọn thể loại yêu thích để đọc phù hợp với độ tuổi của mình. Ngoài tiết đọc định kỳ, nếu học sinh muốn đọc sách, tự tìm hiểu có thể đến đây vào các giờ ra chơi, đầu giờ”.
Trong tiết đọc, để học sinh tiếp cận và đọc sách hiệu quả hơn, giáo viên sẽ hướng dẫn cụ thể từng cách đọc, sau khi lựa chọn được quyển sách yêu thích, các em tìm chỗ ngồi cố định và đọc. Khi buổi đọc kết thúc, học sinh tự dọn dẹp, trả lại sách đúng nơi mình vừa lấy, dọn dẹp ngăn nắp.
Bằng nhiều cách đọc giúp cải thiện chất lượng đọc của học sinh tại trường, nhất là những em đọc chậm.
Theo đó, với thư viện thân thiện, các em học sinh được hướng dẫn đọc sách một cách bài bản, chia làm 4 hoạt động đọc chính là đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân. Ngoài được hỗ trợ về kinh phí, mỗi năm tổ chức Room to Read còn cấp 80 đầu sách bao gồm sách thiếu nhi, tham khảo, truyện tranh… những sách phù hợp với cấp học theo quy định.
Ðể tăng lượng sách, làm mới những đầu sách, bình quân hàng quý, nhân viên thư viện trường sẽ luân chuyển đổi sách tại Thư viện tỉnh, công việc tuy thầm lặng nhưng đổi lại nhiều niềm vui cho chính những người làm công tác duy trì và giữ gìn văn hoá đọc, nhất là tại các điểm trường nông thôn khi việc sở hữu, đọc sách còn khó khăn, thiếu thốn.
“Em rất thích đọc những câu chuyện viết về động vật, nó rất hay và ý nghĩa, giúp em biết tập tính, môi trường sống của động vật”, em Nguyễn Thảo Sang, học sinh lớp 2B, bộc bạch.
Em Lương Vĩnh Thịnh, học sinh lớp 2B, vui vẻ: “Ðọc sách giúp em học được nhiều từ mới lạ ngoài sách giáo khoa, thích nhất là truyện tranh, em có thể đọc cả ngày không chán. Em muốn thư viện sẽ có thêm thật nhiều sách nữa”.
Ông Lê Quang Chấn, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học 3 Khánh Bình, cho biết: “Từ khi có thư viện thân thiện, các em tiếp cận với sách nhiều hơn, được đọc sách, được giao lưu. Cũng từ thư viện thân thiện góp phần nâng cao, cải thiện chất lượng học sinh, nhất là những trường hợp đọc chậm, chưa đọc chuẩn theo kiến thức kỹ năng”./.
Nhi Nhi