Đồng Nai có 10 bệnh viện, trung tâm y tế triển khai chạy thận nhân tạo với hơn 200 máy chạy thận. Có bệnh viện phải chạy hết công suất 4 ca/ngày nhưng danh sách bệnh nhân đăng ký chờ được lọc thận vẫn còn dài.
Các cơ sở y tế có máy chạy thận nhân tạo tại Đồng Nai luôn trong tình trạng quá tải. Trong ảnh: Chạy thận tại Bệnh viện Đồng Nai – 2 |
* Khó “chen chân” để được chạy thận
Vào viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, tràn dịch màng phổi, ông Nguyễn Văn Long (56 tuổi, ngụ tại P. Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) phải điều trị hồi sức tích cực suốt 2 tháng ròng. Sau khi tỉnh lại trong cơn “thập tử nhất sinh”, ông Long được thông báo phải chạy thận nhân tạo vì đang trong giai đoạn suy thận. Trước khi vào viện cấp cứu lần này, ông Long đã phát hiện bệnh tiểu đường, cao huyết áp từ nhiều năm nhưng không đi chữa trị theo khuyến cáo của bác sĩ. “Giờ, qua cơn bệnh nặng, bác sĩ yêu cầu ba tôi phải chạy thận 2-3 lần/tuần. Nhưng khi đi đăng ký chạy thận tại khoa Thận nhân tạo của BVĐK Đồng Nai lại không còn máy. Tôi phải đăng ký danh sách chờ có máy mới được chạy thận và các bác sĩ cũng khuyên nên tìm thêm ở các cơ sở khác vì bệnh viện đã quá tải” – con trai ông Long chia sẻ.
Việc chạy thận là cần gấp, gia đình ông Long phải đến 3 bệnh viện khác có máy chạy thận nhân tạo để đăng ký. Tuy nhiên, cả 3 nơi đều hẹn “khi nào có máy trống sẽ liên hệ lại”.
Không chỉ trường hợp của ông Long, hiện tại hàng trăm bệnh nhân cần chạy thận vẫn ở “danh sách chờ máy” đăng ký tại các bệnh viện, trung tâm y tế có triển khai kỹ thuật này.
Tại BVĐK Đồng Nai, khoa Thận nhân tạo có 26 máy chạy thận cả mới lẫn cũ và phải chạy 3 ca/ngày, điều trị cho 150 bệnh nhân. Nhưng nhiều tháng nay, những bệnh nhân mới muốn đăng ký chạy thận là gần như rất khó. BS. Lê Thị Ngọc Yến, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BVĐK Đồng Nai cho hay, 1 bệnh nhân có thể chạy thận suốt 10-15 năm hoặc hơn nữa thì 1 máy chạy thận sẽ chỉ phục vụ tối đa cho khoảng 6 bệnh nhân cố định. Do đó, trong thời gian này, bệnh nhân mới rất khó “chen chân” vào, chỉ khi bệnh nhân cũ tử vong hoặc chuyển nơi khác chạy thận, bệnh viện mới có máy trống để nhận bệnh mới.
* Bệnh nhân có thể chết trước khi được chạy thận
Hiện tại, BVĐK khu vực Long Khánh có 18 máy chạy thận hoạt động liên tục suốt 3 ca tất cả các ngày trong tuần (chỉ nghỉ chủ nhật) để phục vụ cho 90 bệnh nhân. “Hơn 100 bệnh nhân vẫn đang phải chờ để được chạy thận tại bệnh viện. Nhưng máy móc chúng tôi có hạn, đã chạy hết công suất và không còn chỗ trống nên không thể nhận thêm” – BS. Mai Kiêm Toàn, Trưởng khoa Hồi sức – tích cực, Thận nhân tạo, BVĐK khu vực Long Khánh chia sẻ.
Đồng Nai hiện có 10 bệnh viện trong và ngoài công lập, trung tâm y tế triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, gồm: BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, BVĐK khu vực: Long Khánh, Long Thành, Định Quán; Bệnh viện Đồng Nai-2; Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark; Trung tâm Y tế huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. |
Theo bác sĩ Toàn, nhiều bệnh nhân đã tử vong trong khi chờ chạy thận vì không có máy.
Do quá tải, các bệnh viện tuyến tỉnh luôn tư vấn bệnh nhân về các cơ sở chạy thận gần nhà, tuyến huyện để chạy thận nhưng lượng người chờ chạy thận vẫn luôn cao. Ngay ở các huyện, hay cơ sở y tế tư nhân có khu chạy thận thì tình trạng này cũng khá căng thẳng. BS. Đoàn Thị Hòa, Trưởng khoa Lọc máu và thận nhân tạo, Bệnh viện Đồng Nai-2 cho biết thêm, hầu như ngày nào, bệnh viện cũng nhận đăng ký chạy thận của bệnh nhân mới nhưng không thể nhận bệnh ngay. Vì 32 máy chạy thận của bệnh viện đều đã “có chủ” từ nhiều năm nay. Ngoài các máy chạy thận cho bệnh nhân cố định, các bác sĩ chỉ có thể cố gắng hỗ trợ “chèn” bệnh nhân tạm thời trong khi chờ máy trống.
Trung tâm y tế (TTYT) H.Trảng Bom có 12 máy chạy thận và luôn trong tình trạng kín bệnh nhân, không còn máy dư. Hiện, trung tâm này chỉ chạy 2 ca do thiếu y, bác sĩ phục vụ bệnh nhân. “Nhiều huyện không có máy nên dồn bệnh về các nơi có máy. Thực tế, “cầu” cao hơn “cung”, nên những bệnh nhân mới phải chờ rất lâu mới có máy chạy thận. Nhiều người mong muốn chạy thận tại trung tâm nhưng hết máy nên chúng tôi phải từ chối” – BS.Nguyễn Đức Phước, Giám đốc TTYT H.Trảng Bom cho hay.
* Cả người và máy đều “chạy” hết công suất
Tình trạng thiếu máy chạy thận đã diễn ra khá lâu ở nhiều cơ sở y tế. Hầu hết các cơ sở triển khai chạy thận nhân tạo cả công lẫn tư nhân, từ bệnh viện tuyến tỉnh đến các TTYT đều rơi vào cảnh quá tải. BVĐK Thống Nhất là đơn vị có số lượng máy chạy thận lớn nhất Đồng Nai với 91 máy nhưng luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải, không còn máy để nhận bệnh nhân chạy thận mới. Hiện tại, danh sách bệnh nhân “chờ” chạy thận của bệnh viện này có vài chục ca.
Theo bác sĩ BS Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó trưởng khoa Thận nhân tạo, BVĐK Thống Nhất, thay vì chỉ chạy 3 ca/ngày như nhiều đơn vị khác, bệnh viện đã phải tăng lên chạy 4 ca/ ngày và con người cũng như máy móc của khoa phải bắt đầu làm việc từ 5g sáng đến 12g đêm. “Máy và người “chạy” hết tốc lực, gần như không được nghỉ ngơi mới phục vụ được cho gần 500 bệnh nhân. Rất ít nơi chạy thận đến 4 ca/ngày nhưng chúng tôi buộc phải làm mà vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho bệnh nhân. Cả y, bác sĩ lẫn bệnh nhân đều không ai mong muốn phải chạy ca 4 cả” – BS. Thảo tâm sự.
Toàn tỉnh hiện có cả trăm bệnh nhân mới đang chờ chạy thận. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Hiện tại, các cơ sở y tế có khoa chạy thận nhân tạo đều làm việc ở tần suất cao, từ 2-4 ca/ ngày. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của bệnh nhân, các nơi đều xin đầu tư thêm máy chạy thận nhưng không hề dễ dàng. Bởi kinh phí đầu tư mỗi máy chạy thận, tùy dòng máy sẽ dao động từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/máy. “Nhiều lúc có những máy đã sử dụng lâu năm bị hư hỏng, trong thời gian sửa máy, chúng tôi liên hệ các trung tâm khác để gửi bệnh hoặc “đôn tua”. Thiếu máy chỉ thiệt thòi cho bệnh nhân vì chạy thận trễ ngày nào, bệnh diễn tiến nặng hơn ngày đó, nguy hiểm cho bệnh nhân nhiều hơn” – BS. Toàn bày tỏ.
Bích Nhàn
.