Nhà bia tưởng niệm được xây dựng trên phần đất do bà Du Thị Đông hiến tặng. Ngôi nhà bên cạnh nhà bia là nhà bà Đông hiện tại
Nỗi đau người ở lại
Gần 60 năm trôi qua nhưng khi nhắc lại câu chuyện ngày trước, bà Đông không kìm được nước mắt. Những ký ức đau thương có lẽ sẽ theo bà đến suốt cuộc đời. Bà kể: “Trước đây, khu vực này là theo cách mạng hết, cha và chị tôi cũng là liệt sĩ. Ngày đó, may mắn cho tôi là bọn chúng không quay lại lần nữa. Nếu không, có lẽ tôi đã không sống đến bây giờ. Tôi nhớ mình đã nằm bên cạnh xác người thân cho đến khi mọi người phát hiện ra tôi còn sống”.
Vượt qua nỗi đau mất người thân và trở thành người không lành lặn, lớn lên, bà Đông tiếp bước cha anh tham gia các cuộc đấu tranh, biểu tình, che giấu cách mạng,… Khi đất nước thống nhất, bà nỗ lực hết mình để nuôi 2 người con trưởng thành. Cuộc sống dần ổn định nhưng lòng bà vẫn luôn đau đáu về nỗi đau năm cũ. Khi kế hoạch xây dựng nhà bia tưởng niệm Di tích lịch sử Đồng 41 được đề xuất, bà Đông hết lòng ủng hộ và sẵn sàng hiến đất để xây dựng công trình.
Bà Đông chia sẻ: “Ban đầu, dự kiến sẽ làm bia tại vị trí xảy ra thảm sát, hiện nay thuộc mảnh ruộng nhà tôi. Tuy nhiên, do đường đi khó khăn nên đề xuất xây dựng bia ở địa điểm thuận tiện hơn. Sau nhiều lần bàn bạc thì địa phương hỏi ý kiến tôi về việc xây bia tưởng niệm trên đất ở nhà tôi. Tôi đồng ý và dời nhà mình sang bên cạnh để hiến phần đất trên nền nhà làm bia tưởng niệm. Tôi chỉ mong mỏi những người nằm xuống được yên nghỉ. Có lần ghé thăm di tích, bác Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước – Trương Tấn Sang) ngỏ ý về việc hỗ trợ tôi lát nền và tô tường nhà. Tôi rất mừng và mang ơn bác vì đề nghị đó”.
Bà Du Thị Đông chăm sóc, thắp hương tại nhà bia mỗi ngày
Ở cạnh bên bia tưởng niệm nên bà Đông cũng là người trực tiếp chăm sóc bia, thắp hương mỗi ngày. Nhà bà có thể chưa dọn dẹp nhưng khu vực bia phải luôn sạch sẽ bởi với bà Đông, còn được sống và chứng kiến những đổi thay của quê hương cho đến tận hôm nay là một may mắn.
Tân Hòa đổi thay
Cầu bắc qua Khu di tích lịch sử Đồng 41 được xây dựng năm 2020
Là xã thuần nông, trước đây, Tân Hòa là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Tân Thạnh. Khoảng năm 2000, người dân trong xã vẫn di chuyển chủ yếu bằng đường thủy vì hệ thống giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế. Đến nay, 100% đường xã được nhựa hóa, mặt đường rộng 7m. 100% đường trục ấp được cứng hóa, mặt đường rộng 2-3m. 36 cầu giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng để nối liền các tuyến đường với tổng kinh phí khoảng 30 tỉ đồng. Đa số người dân trong độ tuổi lao động đều có việc làm. Nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao được duy trì và phát triển: May gia công, đan giỏ nhựa, thu mua ngó sen,… Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22 triệu đồng/năm (năm 2013) lên 55 triệu đồng/năm. Hộ nghèo giảm theo từng năm, từ 5,2% (năm 2013) giảm còn 1,9%. Công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được chú trọng thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Chủ tịch UBND xã Tân Hòa – Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân Tân Hòa đoàn kết đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Xã đang hướng đến mục tiêu nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, lớp đào tạo nghề và định hướng thay đổi cơ cấu cây trồng, giới thiệu việc làm cho người lao động”.
Sau gần 60 năm, vết thương trên cánh tay bà Đông đã lành nhưng nỗi đau trong tim thì vẫn còn nguyên đó. Và bà Đông cũng như mỗi người dân Tân Hòa vẫn từng ngày mạnh mẽ sống và góp sức mình xây dựng quê hương./.
Đồng 41 là tên cánh đồng nhỏ nằm cạnh kênh Hai Hạt thuộc ấp Tây, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, chiều ngang ước chừng 300m, chiều dài khoảng 3km về hướng kênh Nguyễn Văn Tiếp. Trên cánh đồng ấy, tháng 6/1967, lính Nam Triều Tiên dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ đã thảm sát dã man 41 đồng bào vô tội của hai xã Tân Hòa (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) và Hậu Mỹ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), đa số là phụ nữ và trẻ em, trong đó có cả phụ nữ có thai. Từ sau sự kiện bi thương ấy, cánh đồng nhỏ mà trước đây chưa hề có tên gọi cụ thể đã đi vào lịch sử với tên gọi là “Đồng 41”.
Năm 2018, UBND huyện Tân Thạnh bố trí ngân sách, vận động người dân hiến đất và mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà bia tưởng niệm với tổng kinh phí trên 1,2 tỉ đồng. Cầu bắc qua Khu di tích lịch sử Đồng 41 được xây dựng năm 2020 với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng.
|
Mộc Châu