Gác lại 2 tấm bằng đại học loại Giỏi và hơn 5 năm sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Tường Thảo, 28 tuổi đã quyết định trở về quê hương Lâm Đồng để gắn bó với rau, củ. Thảo đã lập ra kênh cá nhân “Món lạ vườn nhà” thu hút 180.000 lượt theo dõi và 1,5 triệu lượt thích trên nền tảng Tiktok.
Nguyễn Thị Tường Thảo bên vườn rau của HTX Vườn nhà Đà Lạt. (Ảnh: NVCC) |
Tình yêu với rau củ
Trong những video “triệu view” trên trang Tiktok cá nhân, người xem thường bắt gặp hình ảnh cô gái nhỏ nhắn, khuôn mặt luôn tươi cười trong chiếc áo bạc màu, đôi ủng và chiếc nón. Ngay giữa vườn, cô giới thiệu đến người xem nhiều loại nông sản độc lạ của HTX Vườn nhà Đà Lạt. Mọi người vẫn thường gọi em là “Thảo Mola” – viết tắt của kênh Tiktok “Món lạ vườn nhà”.
Cơ duyên đưa Thảo đến với nghề nông đến từ việc gia đình có truyền thống làm nông nghiệp. Thời sinh viên Thảo đã từng bán rau củ quả do gia đình gửi xuống trên mạng để kiếm thêm thu nhập chi trả việc học tập.
Từng làm việc trong phòng kiểm định hóa chất của một công ty nước ngoài với mức lương không hề thấp, nhưng với niềm đam mê rau củ quả, cộng thêm với việc sau đại dịch Covid-19, nhận thấy người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến các nông sản sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe, Thảo đã có một bước ngoặt chuyển hướng bất ngờ.
“Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại rau củ quả không sạch, thiếu an toàn, chưa kể điệp khúc ‘được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa’ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng và đầu ra của rau củ Việt Nam. Sinh sống ở Đà Lạt – thủ phủ rau củ quả của cả nước, em luôn trăn trở làm sao để nâng cao giá trị của rau củ Việt Nam. Vì vậy, em quyết định nghỉ việc để quay trở về nhà khởi nghiệp”, Thảo chia sẻ.
Tháng 9/2022, Thảo trở về quê hương Lâm Đồng và xin làm thuê lại HTX Vườn nhà Đà Lạt – mà theo như Thảo nói thì đó là cách cô từng bước tiếp cận nguồn nông sản sạch, tìm hiểu về quy trình trồng và chăm sóc rau, củ để có thể hiểu rõ hơn.
Thảo xin làm công việc đóng rau. Đứng trước một cô gái trẻ với hai bằng tốt nghiệp ngành Kỹ sư hóa học và Kinh tế, chị Lê Thị Yến Vân – Giám đốc HTX Vườn nhà Đà Lạt thật sự bối rối khi không biết xếp em vào vị trí nào cho phù hợp và không bị “lãng phí”. Nhưng bản thân Tường Thảo đã tự định vị giá trị của mình.
Tạo đột phá, dám nghĩ, dám làm
Những ngày đầu, Thảo nhận thấy tuy quy mô HTX rất lớn, với hàng chục nhân viên, mỗi năm trồng cả trăm loại rau, củ, quả khác nhau nhưng quy trình làm việc còn theo lối truyền thống, lạc hậu. HTX có website, có fanpage nhưng không chăm sóc, chỉ cập nhật vài tấm hình rất cũ.
Một lần nghe chị Yến Vân chia sẻ mong muốn xây dựng một cộng đồng ăn uống healthy, đó cũng là cái mà Thảo vẫn đang hướng đến. Vậy là cô xung phong nhận việc, tạo nên những sự đổi mới. “Bởi em nghĩ thời đại 4.0 bây giờ, nếu chỉ duy trì cách bán hàng hiện tại thì chắc chắn HTX sẽ bị đi lùi” – Thảo nói.
Tường Thảo bắt đầu chăm sóc lại fanpage, trang web, chăm chút từng tấm hình. Đặc biệt, nhận thấy sức mạnh của trang mạng xã hội chuyên về các video ngắn Tiktok, Thảo nảy ra ý tưởng bán lẻ nông sản trên mạng xã hội đang có nhiều ưu thế này.
Đã quen với việc bán hàng truyền thống qua khách sỉ, chị Yến Vân khá chần chừ trước sự đổi mới của Thảo. Thế nhưng, không từ bỏ, Thảo tự tạo kênh tiktok “Món lạ vườn nhà”, tự quay, dựng và up video lên với mục đích giới thiệu cho nhiều người biết về những sản phẩm nông sản độc lạ mà HTX Vườn nhà Đà Lạt đang có.
Thảo thường xuyên giới thiệu các loại rau củ tươi và sạch từ HTX Vườn nhà Đà Lạt trên kênh Tiktok “Món lạ vườn nhà”, thu hút hàng trăm nghìn view. (Ảnh: NVCC) |
Từ các video giới thiệu về ớt trái cây sweet palermo, chanh dây Nam Mỹ, cà rốt cầu vồng, ớt móng tay,… sau chưa đầy 2 tháng lập kênh, Tường Thảo đã có video trên 4 triệu lượt xem. Đặc biệt, video giới thiệu bí sợi mì với hơn 5 triệu lượt xem như trở thành một hiện tượng mạng. Có ngày cô nhận được cả nghìn tin nhắn hỏi mua loại bí này. Lần đầu tiên mở tính năng livetream bán hàng, chỉ sau 15 phút, Thảo chốt được gần 1.000 đơn hàng. Đưa doanh thu bán ớt và nông sản khác tháng đó lên đến gần 1 tỷ đồng.
Chia sẻ về tên kênh “triệu view”, Thảo cho biết, cô luôn trăn trở với việc đặt tên kênh, làm sao phải truyền tải được nội dung của mình muốn. Cuối cùng, Thảo quyết định lấy tên là “Món lạ vườn nhà”, vừa thể hiện sự độc lạ trong sản phẩm, vừa thân thiện với mọi người vì khi nhắc đến nhà, vườn nhà thường mọi người sẽ có cảm giác an tâm, thân thuộc.
Thảo cũng gặp rất nhiều khó khăn từ những ngày đầu xây dựng ý tưởng khi phải tự mày mò quay video, tự biên tập trong khoảng thời gian hạn chế. Có những lúc Thảo dường như kiệt sức khi phải ôm quá nhiều việc từ chăm sóc khách hàng, phát triển kênh, kiểm soát vận hành hàng hóa. “Thời điểm trầm cảm nhất là bị giới hạn đơn hàng do nguồn cung không đủ với dự kiến bán hay nông sản không thu hoạch được sản lượng như mong muốn”, Thảo kể lại
Những nỗ lực của Thảo đã thu được trái ngọt khi trong 4 tháng khởi động, “Món lạ vườn nhà” đã tiếp cận được 17,5 triệu lượt người xem sản phẩm, có 20.000 đơn hàng với hơn 22.000 sản phẩm được bán ra. Doanh thu của HTX từ kênh bán lẻ Tiktok, zalo, fanpage tăng theo đồ thị thẳng đứng. Điều này cũng giúp chị Yến Vân tin tưởng và ủng hộ hơn vào cách làm của Thảo.
Doanh nghiệp FDI phải đến Việt Nam vì đây là một đất nước của khởi nghiệp, sáng tạo
Đó là khẳng định của nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại chương trình “Cà phê doanh nhân” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. … |
Chuyên gia khởi nghiệp Mỹ giải mã bí mật về Thung lũng Silicon
‘Giải mã bí ẩn Thung lung Silicon’ được xem là cuốn cẩm nang không thể thiếu cho những nhà khởi nghiệp tương lai. Cuốn sách … |
Khi phụ nữ vùng cao khởi nghiệp
Vượt lên những khó khăn về định kiến giới, nhiều tấm gương điển hình của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đang truyền cảm … |
Sản phẩm khởi nghiệp ‘lên ngôi’ dịp Tết Quý Mão
Dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đều tăng lượng hàng lên gấp … |
Thành lập Hiệp hội Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản
Hiệp hội Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJAE) do doanh nhân Cấn Thanh Huyền – CEO HSB JAPAN thành lập với … |