Chủ tịch Vingroup nói với cổ đông việc lập ra VinFast, doanh nghiệp đang lỗ, không phải vì tiền mà là “trách nhiệm đóng góp cho đất nước”.
Phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Vingroup (VIC) diễn ra sáng nay, muộn nửa tháng so với thông thường. Những năm trước, phiên họp này được tổ chức cuối tháng 4, cùng với các công ty thành viên khác trong hệ sinh thái.
Năm nay, phiên họp cổ đông diễn ra chỉ vài ngày sau khi VinFast, đơn vị thành viên phụ trách mảng công nghiệp của Vingroup, thông báo sẽ niêm yết tại Mỹ thông qua một giao dịch sáp nhập.
Cuối tháng 4, Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng thông báo bơm tiếp 2,5 tỷ USD cho VinFast, gồm khoản tài trợ 1,5 tỷ USD, số còn lại VinFast vay trong 5 năm, để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Trước đó, trong bản cáo bạch nộp lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), công ty sản xuất xe điện của Vingroup cho biết đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế nhiều tỷ USD sau hơn 5 năm tham gia thị trường.
Do đó, một loạt câu hỏi được các cổ đông đưa ra, từ kế hoạch sản xuất xe, lộ trình hòa vốn, bài toán cạnh tranh của VinFast, cho tới lý do mà công ty này được thành lập. “Tại sao VinFast lại chuyển từ sản xuất xe xăng sang xe điện, liệu trong tương lai tập đoàn có dừng sản xuất giống như đã làm với mảng điện thoại, xe xăng trước đây?”, một cổ đông nêu ý kiến.
Chủ tọa phiên họp, cũng là người trực tiếp trả lời câu hỏi của các cổ đông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Nhật Vượng. Vẫn phong cách quen thuộc, nói dứt khoát và không né tránh bất kỳ câu hỏi nào, ông Vượng trả lời cổ đông ngay khi được hỏi.
“Rất nhiều người hỏi tôi tại sao Vingroup làm VinFast, sản xuất ôtô quá khó, chưa kể Vingroup bắt đầu với con số 0”, ông Vượng mở đầu phần chia sẻ về lý do Vingroup thành lập VinFast. Theo ông, lý do bắt đầu của dự án này không xuất phát từ mục đích kinh doanh, mà do muốn đóng góp cho xã hội.
“Nếu vì kiếm tiền, ban lãnh đạo Vingroup không dại gì lao vào một lĩnh vực khó như sản xuất ôtô, nếu dễ đã không đến lượt”, ông Vượng nói. “Vingroup quyết định làm VinFast vì lòng yêu nước, không hề có toan tính. Khi chúng ta đã thành đạt thì phải có trách nhiệm đóng góp cho đất nước, xây dựng một thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp và có sức ảnh hưởng trên thị trường quốc tế”.
Bắt đầu với lý do không xuất phát từ việc kinh doanh kiếm tiền, nhưng ông thừa nhận, “cách mạng xanh” đã mở ra cơ hội lớn cho dự án này. “Khi đội ngũ VinFast ngày càng vững mạnh, chúng tôi cảm thấy mình thực sự làm chủ được công nghệ, nguồn cảm hứng, sáng tạo. Tôi cho rằng về mặt kinh doanh, VinFast đã là dự án tiềm năng, thậm chí có thể là tốt nhất của tập đoàn”, Chủ tịch Vingroup nói và cho rằng, mức định giá VinFast sẽ không chỉ dừng ở con số 23 tỷ USD.
“Tại sao VinFast không chọn làm xe điện ngay từ đầu mà lại chọn xe xăng?”, một cổ đông khác hỏi. Chủ tịch Vingroup cho rằng, ở thời điểm Vingroup bắt đầu xây dựng VinFast, xe điện hầu như rất ít người biết tới và mong muốn sử dụng. Đồng thời, công nghệ của xe điện cũng rất khó.
“Lúc đấy VinFast chưa đủ sức, làm cũng khó bán được, nên chúng tôi quyết định làm xe xăng. VinFast làm để mọi người biết chúng tôi có thể làm được ôtô. Sau này khi xe điện thành xu hướng, chúng tôi quyết định dồn toàn lực”, ông Vượng chia sẻ.
Trước lo ngại của cổ đông về tương lai của mảng xe điện, khi Vingroup từng dừng sản xuất xe xăng hay điện thoại trước đó, Chủ tịch Vingroup cho rằng, việc dừng các dự án trước là điều cần thiết, tập đoàn cần cơ cấu dồn nguồn lực cho lĩnh vực mới. “Cái gì đúng, cái gì cần thì phải làm. Nếu mọi người xem xét kỹ các quyết định của Vingroup, mọi người sẽ hiểu tại sao tập đoàn phải làm như thế”.
Về câu chuyện thị trường, đặc biệt là sự xuất hiện của những thương hiệu xe điện lớn của Trung Quốc, quan điểm của Vingroup và VinFast, theo ông Vượng, là “nước sông không phạm nước giếng”.
Những thương hiệu xe Trung Quốc có tệp khách hàng của riêng họ, VinFast cũng có định vị riêng, không thương hiệu nào có thể chiếm lĩnh hoàn toàn 100% thị trường.
“Sản phẩm không chỉ đắt hay rẻ, mà còn hợp hay không hợp. Tôi cho rằng ở Việt Nam, rất nhiều người sẽ ủng hộ VinFast, chỉ cần có sản phẩm tốt và phù hợp. Chưa kể, Vingroup còn có hệ sinh thái rất tốt. Vì thế, chúng tôi không lo ngại về thị trường Việt Nam”, ông Vượng nói.
Đối với khả năng thu hồi khoản đầu tư hàng tỷ USD vào VinFast, Chủ tịch Vingroup cho biết có thể thu hồi vốn thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc huy động vốn. Sau thương vụ sáp nhập mới đây, VinFast được định giá 23 tỷ USD. Do đó, việc thu hút 8 tỷ USD, theo Chủ tịch Vingroup, “không phải là việc lớn”.
“Khi thị trường đông vui sầm uất trở lại, tâm trạng nhà đầu tư tốt, có đầy đủ các dải sản phẩm thì VinFast sẽ kinh doanh có lãi. Tôi tin rằng VinFast sẽ sớm mang lại niềm vui cho mọi người”, ông Vượng nói và cho biết thêm, VinFast dự kiến sẽ bán khoảng 45.000-50.000 xe trong năm nay. Con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2024.
Năm nay, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 190.000 tỷ đồng, tăng gần 90% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, ngang năm ngoái.
Tập đoàn cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính, gồm công nghiệp – công nghệ, thương mại dịch vụ và thiện nguyện xã hội. Mục tiêu của Vingroup là đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành dọc, đưa sản phẩm hấp dẫn và chất lượng nhất cho người tiêu dùng, qua đó đa dạng hóa các nguồn thu.
VinFast định hướng phát triển mạng lưới bán hàng tại tất cả thị trường mục tiêu trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ bán hàng và bàn giao sản phẩm tại thị trường trọng điểm (Mỹ). Trong sản xuất, công ty đẩy mạnh sản xuất hàng loạt các mẫu xe đã mở bán trong năm 2022 để bàn giao đúng hạn cho khách hàng (VF5, VF8, VF9), chuẩn bị triển khai sản xuất mẫu xe mới giới thiệu (VF6 và VF7), đồng thời đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án nhà máy sản xuất tại bang Bắc Carolina (Mỹ).
Ông Phạm Nhật Vượng cũng cho biết VinFast đang cân nhắc triển khai dòng xe điện siêu nhỏ, nhằm mục tiêu phủ toàn bộ các dải phân khúc sản phẩm.
Trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, trước dự báo hoạt động có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô và môi trường chính sách, Vinhomes cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp linh hoạt. Công ty sẽ tận dụng tối đa lợi thế về quỹ đất để phát triển những dự án đô thị xanh, thông minh, đầy đủ tiện ích. Ở phân khúc nhà ở xã hội, Happy Home sẽ là một trong những trọng tâm phát triển, với cam kết tích hợp mô hình đầy đủ tiện ích.
Với bất động sản khu công nghiệp, Vinhomes IZ tiếp tục bám sát dòng tiền đầu tư FDI, tập trung nghiên cứu và áp dụng các mô hình bất động sản công nghiệp thông minh, khu công nghiệp sinh thái chuyên ngành quy mô lớn.
Trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ, Vincom Retail dự kiến khai trương 2 trung tâm thương mại mới, nâng quy mô lên 85 trung tâm thương mại tại 45/63 tỉnh thành. Với du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí, Vinpearl, VinWonders đặt kỳ vọng nhiều vào sự khởi sắc trở lại của ngành du lịch, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng.
Trước đó, năm 2022, doanh thu thuần của Vingroup đạt gần 102.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 12.756 tỷ và 2.044 tỷ đồng. Sau khi loại đi các khoản chi phí tài chính đến từ việc trích lập dự phòng lỗ tỷ giá, chi phí liên quan đến quyết định dừng sản xuất xe xăng, rút khỏi lĩnh vực sản xuất điện thoại, lợi nhuận sau thuế của Vingroup đạt 5.278 tỷ đồng, thực hiện 88% kế hoạch. Trong năm, tập đoàn đã huy động gần 1,1 tỷ USD từ thị trường vốn quốc tế.
Vnexpress.net