“Thôi chừ gửi số tài khoản, anh chuyển khoản luôn đi mà đi ngủ chơ anh còn nợ em, anh còn nợ em ri biết đến khi mô?”. Thoạt tiên, tôi đã phì cười khi đọc mấy chữ đó trên trang facebook cá nhân của cô bạn, nhưng sau đó tràn ngập một cảm giác về sự bất lực, y như sự bất lực mà cả gia đình, cả khu phố nhỏ của chúng tôi đã từng gánh chịu.
Việc chấp nhận phải sống chung với các giọng ca đám cưới là điều bất đắc dĩ, kể từ khi quán cà phê bên hông trở thành nhà hàng tiệc cưới. Dẫu là buổi trưa đi chăng nữa, thì họ hát cũng có giờ giấc. Tiệc tan là âm thanh cũng tan. Đằng này, vấn nạn karaoke đã trở thành nỗi ám ảnh và là âm thanh đáng sợ trong đời sống của cộng đồng dân cư. Chẳng phải là “làng vui chơi, làng ca hát” như một chương trình hồi nào hay được phát sóng trên tivi, nhưng hễ có phương việc gì, hay đơn giản thấy hào hứng là hàng xóm thuê, hoặc mang loa bluetooth ra, vặn vô-lim hết cỡ và hát cho tàn đêm.
Tôi nói cảm giác bất lực vì nhớ hôm cả xóm tôi ở đã rậm rịch đi ra đi vào vì một nhà mé dưới kéo loa về hát cho nhau nghe trước tiệc cưới. Âm thanh bắt đầu trỗi lên từ khoảng 15h chiều đến khuya. Mọi người bảo nhau, chắc xong tiệc cưới buổi trưa ngay nhà hàng gần đó là hết, ráng chịu một chút! Rồi mọi người chưng hửng vì chỉ sau 30 phút khi đám cưới tan, từ nhà hàng xóm lại bắt đầu những giọng ca nhừa nhựa từ cánh đàn ông. Nhà bên này có người già, nhà khác có trẻ con, nhà khác nữa có người bệnh nằm đã mấy tháng trời thay nhau xuống, khẩn khoản kiểu các anh cứ hát, nhưng làm ơn vặn nhỏ vô-lim giùm. Đáng buồn là càng nhắc, thì người ta lại cất tiếng to hơn, chắc cho bõ tức vì đó là “quyền của họ”.
Tôi nhớ hôm đó, đồng hồ thông minh của tôi đã liên tục cảnh báo về việc tiếng ồn vượt quá mức cho phép, cho dù nhà tôi cách nhà hàng xóm ấy tầm hơn 20m. Y như là nó đã từng cảnh báo tôi mỗi lần ngồi ở tiệc cưới có chương trình góp vui cho các gia chủ.
Vấn nạn karaoke và loại âm thanh đáng sợ này ban đầu chỉ khu trú trong một khu phố, một thôn xóm hay một khu dân cư mà nay nó đã trở thành nỗi ám ảnh cho hết thảy mọi người, trên một diện rộng lớn ở tất cả các địa phương, trên địa bàn toàn quốc. Một số người đã khuyên nên chuyển thông tin lên Hue-S để chính quyền về xử lý. Một số người khác lại bảo, phải sau 21h và hát liên tục thì người ta mới lên nhắc nhở, người lại ngại mất tình nghĩa hàng xóm…
Chấn chỉnh vấn nạn karaoke ở các khu dân cư đã được đặt lên bàn nghị sự của các cơ quan có chức năng từ rất lâu, nhưng xem ra phương thức quản lý như thế nào, xử lý nó ra sao… cho đến giờ vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ (trừ các quán karaoke có tổ chức và được đăng ký). Dù có thẩm quyền xử phạt vấn nạn karaoke di động, nhưng ngành văn hóa, thể thao và du lịch không được trang bị và không có thiết bị đo độ ồn. Hơn nữa, việc xác định ô nhiễm tiếng ồn lại thuộc thẩm quyền của ngành tài nguyên và môi trường; các mức phạt hiện tại vẫn còn thiên về nhắc nhở hoặc chưa đủ sức răn đe.
Lâu nay, ai cũng biết, cũng thấy, cũng hiểu và cũng ám ảnh bởi âm thanh đáng sợ này nhưng có lẽ, chúng ta vẫn đang phải chấp nhận sự chịu đựng. Vấn đề là ở chỗ, không biết chịu đựng đến bao giờ khi mọi cơ sự ở hoạt động này vẫn phụ thuộc vào ứng xử của người dân?