Đề xuất trên được nêu trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Trong dự thảo có nêu quy định mạng xã hội (nội địa lẫn xuyên biên giới) phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Dữ liệu cần khai báo cho yêu cầu này gồm tên thật và số điện thoại. Ngoài ra, dự kiến các mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam chỉ cho người dùng đã định danh được viết bài đăng, bình luận, sử dụng tính năng phát trực tiếp video (livestream). Các tài khoản chưa định danh chỉ được xem nội dung đơn thuần.
Việc định danh người dùng sẽ do mạng xã hội chịu trách nhiệm, đồng thời phải quản lý nội dung livestream và gỡ khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng.
Đối với các mạng xã hội hoặc dịch vụ internet xuyên biên giới tại Việt Nam hiện nay, chỉ có Facebook yêu cầu định danh tài khoản, chủ sở hữu phải dùng tên thật được xác minh bằng giấy tờ tùy thân hợp pháp. Còn lại YouTube, Google, Twitter… đều không có yêu cầu này đối với người sử dụng thông thường và chỉ bắt buộc phải xác thực đối với những người có hoạt động kiếm tiền từ các nền tảng này.
Tuy việc định danh được đặt ra nhằm bảo vệ quyền sở hữu và lợi ích của người dùng liên quan tới tài khoản trên mạng xã hội, quy trình này có thể vấp phải khó khăn khi đòi hỏi phải cung cấp những thông tin cá nhân nhạy cảm như số căn cước công dân (dữ liệu ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ cư trú… xuất hiện trên thẻ căn cước khi chụp hình), số điện thoại, họ tên thật…
“Ẩn danh để trao đổi, tương tác với người khác là một nhu cầu thực của con người, có từ trước khi mạng internet phát triển. Có những tính năng, loại hình dịch vụ được thiết kế để phục vụ nhu cầu này nên xóa bỏ ẩn danh rất khó, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, bao gồm từ cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và người dùng”, ông Vũ Ngọc Sơn – CTO Công ty công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS nhận định.