(HNMO) – Ngày 17-5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khai mạc Triển lãm: “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 11. Đây là sự kiện thường niên thiết thực kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023); sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Với hơn 200 hình ảnh, tài liệu, bài viết và hiện vật, Triển lãm “Những tấm gương bình dị và cao quý” giới thiệu tới công chúng 133 tấm gương điển hình tiên tiến, gồm 62 tập thể và 71 cá nhân chọn lọc từ gần 600 tấm gương tiêu biểu trên cả nước.
Có thể kể đến, tấm gương thầy giáo Nguyễn Như Diệp ở Bình Thuận không chỉ tận tụy, tâm huyết với nghề giáo mà còn tích cực trong hoạt động từ thiện xã hội; nghị lực vươn lên của thương binh Nguyễn Hồng Yên ở Nghệ An để trở thành điển hình sản xuất giỏi, thường xuyên chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình; tấm gương bác sĩ Sùng A Vang ở Yên Bái, một người giỏi chuyên môn, hết lòng vì bệnh nhân, luôn gương mẫu, giúp đỡ đồng nghiệp và nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua… hay tấm gương chiến sĩ công an Đoàn Văn Minh, thành phố Lào Cai, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm khống chế đối tượng đặc biệt nguy hiểm, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà, mỗi hình ảnh và bài viết là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên, phồn vinh và phát triển của đất nước.
“Từ đây, Triển lãm là một hoạt động chính trị và văn hóa thường niên đặc biệt có ý nghĩa, không chỉ tôn vinh những tấm gương “người tốt, việc tốt” trong đời sống, mà còn góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, từ đó đóng góp những việc làm thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống, để cả xã hội luôn là một rừng hoa đẹp về người tốt, việc tốt kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật của Người”, ông Vũ Mạnh Hà nói.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt. Người từng nói với đồng bào, đồng chí cả nước: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp…”. Để việc tuyên truyền, giáo dục gương người tốt, việc tốt ngày càng được phát huy sâu rộng trong nhân dân, tháng 6 năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”. Bộ sách tập hợp những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, lao động và sản xuất… được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và thưởng huy hiệu của Người. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc học tập và làm theo Người đã trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài, thiết thực, đi vào thực tế cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức.
Triển lãm kéo dài đến hết tháng 8-2023 và sẽ tiếp tục được trưng bày tại nhiều địa phương trên cả nước.