Giám đốc Agribank CN Long An – Nguyễn Kim Thài (bên trái) và Chủ tịch HND tỉnh – Lê Văn Hùng (bên phải) ký kết văn bản thỏa thuận liên ngành giai đoạn 2023-2028
Qua 5 năm thực hiện, HND các cấp đã tổ chức tuyên truyền 13.597 cuộc với 3.475 lượt hội viên nông dân tham dự; có 15/15 HND huyện, thị xã, thành phố triển khai ký kết thỏa thuận với CN Agribank ở các địa phương. HND các cấp đã phối hợp thành lập 372 tổ vay vốn, với 6.974 hội viên tham gia, tổng dự nợ cho vay 2.111,767 tỉ đồng, trong đó, huyện Vĩnh Hưng có số dư nợ cao nhất với số tiền 568,024 tỉ đồng, huyện Châu Thành có số dư nợ thấp nhất với số tiền 13,016 tỉ đồng.
Việc thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa HND tỉnh và Agribank CN Long An đã kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân để đầu tư sản xuất, thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho từng gia đình, từng bước giảm đáng kể tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn; tạo cơ hội cho người dân có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển sản xuất; góp phần hoàn thành một số tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới, thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, diện mạo của khu vực nông nghiệp nông thôn đã thay đổi đáng kể, đóng góp tích cực cho việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách liên quan đến tam nông.
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Giai đoạn 2023-2028, HND tỉnh và Agribank CN Long An phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác cho vay, quản lý tổ vay vốn, thu hồi nợ. Đẩy mạnh việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp và các Tổ vay vốn; phối hợp các ngành chuyển giao, hướng dẫn ứng dụng khoa học – kỹ thuật cho các hộ vay vốn; nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm); củng cố và phát triển thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp,… để phát triển kinh tế, tích cực, chủ động giúp đỡ hội viên nông dân tìm đầu ra, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương. Đẩy mạnh triển khai các sản phẩm dịch vụ của Agribank và phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn “tín dụng đen”; tập trung phát triển tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu; chú trọng đầu tư cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số giúp nông dân sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng thuận tiện, an toàn với tiện ích tối đa, tiết kiệm chi phí./.
An Thuận