“Con dao 2 lưỡi” khi có sự cố
Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành trong cả nước xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, trong đó có không ít vụ việc gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mới đây nhất, trong 2 ngày 12 – 13.5 xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy khiến 7 người tử vong.
Cụ thể, ngày 12.5, một vụ cháy xảy ra tại quán bar 4 tầng tại P.Đằng Giang (Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) làm 3 nữ nhân viên quán tử vong. Ngày 13.5, tại ngôi nhà 3 tầng 1 tum trên phố Thành Công (P.Quang Trung, Q.Hà Đông, Hà Nội) xảy ra vụ cháy khiến 4 bà cháu tử vong thương tâm.
Theo thông tin từ UBND TP.Hà Nội, khu vực xảy ra cháy xảy ra trên diện tích đất khoảng 50 m2, trong đó phần cháy nằm trong ngôi nhà dạng ống, diện tích xây dựng khoảng 40 m2, cao 3 tầng, 1 tum, diện tích sân trước khoảng 5 m2 (lợp mái tôn), kết cấu chính bê tông cốt thép, tường xây gạch. Tuy nhiên, điều đáng nói là toàn bộ mặt trước và các mặt tiếp giáp 2 bên với nhà hàng xóm bên cạnh đều được chủ hộ rào chắn bằng hệ thống khung sắt, bịt kín phía trước giống như “chuồng cọp” để chống trộm.
Tại Hà Nội từ hàng chục năm nay, việc người dân lắp đặt lồng sắt (hay còn được gọi là “chuồng cọp” – PV) nhằm bảo vệ an ninh không còn xa lạ. Nếu như nhiều năm trước, “chuồng cọp” chủ yếu xuất hiện ở những khu chung cư, tập thể cũ, thì hiện nay nhiều nhà dân cũng lắp đặt.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, ở những khu nhà tập thể cũ trong nội đô Hà Nội tại các phường: Thanh Xuân Bắc, Kim Giang (Q.Thanh Xuân); Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh (Q.Ba Đình); Kim Liên (Q.Đống Đa)… hay những chung cư tái định cư cao tầng như Đền Lừ (Q.Hoàng Mai), Trung Hòa – Nhân Chính (Q.Thanh Xuân)… xuất hiện nhan nhản “chuồng cọp” do người dân tự chế. Đa số các căn hộ được lắp đặt thêm “chuồng cọp” chỉ có một lối ra là cửa chính.
Việc xây dựng “chuồng cọp” bên cạnh mục đích mở rộng diện tích sinh sống, cũng là nhu cầu cần thiết của người dân nhằm bảo vệ an toàn tài sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu không chú ý việc phòng cháy, chữa cháy, vô hình trung lại trở thành “con dao 2 lưỡi” khi xảy ra sự cố.
Trao đổi Thanh Niên, PGS-TS, đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Phòng cháy chữa cháy, chia sẻ: quan sát vụ hỏa hoạn nhà dân ở P.Quang Trung, thấy rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thương vong lớn trong vụ việc.
Thứ nhất, khói độc theo cầu thang, lan nhanh lên các tầng phía trên khiến các nạn nhân không còn đủ tỉnh táo để thoát nạn, thậm chí nhanh chóng lịm đi rồi tử vong.
Thứ hai, người bị nạn là trẻ nhỏ và người già nên sức chống chịu và kỹ năng thoát nạn kém. Từ hình ảnh hiện trường, một nguyên nhân nữa là từ tầng 2 đến tầng 3 được lắp khung sắt bảo vệ. Về bản chất, đây là việc người dân phòng chống trộm cắp nhưng vô tình làm khung, lồng tự nhốt mình khi xảy ra hỏa hoạn. Khi xảy ra vụ cháy vào sáng 13.5, 4 nạn nhân đều ở 2 tầng này. Do vậy, đây được đánh giá là nguyên nhân khiến việc tìm lối thoát và cứu nạn, cứu hộ gặp khó khăn. Hàng xóm cố ném quả nổ chữa cháy lên tầng 2 và 3 nhưng bất thành.
Phòng trộm mà quên phòng cháy
Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an Q.Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội), người có nhiều kinh nghiệm trong chỉ huy và trực tiếp tham gia nhiều vụ chữa cháy, lưu ý điều quan trọng khi xảy ra hỏa hoạn, người dân nên nhanh chóng thoát nạn ra ngoài đám cháy mới gọi điện báo cho người thân và cơ quan chức năng. Vụ cháy tại P.Quang Trung vừa qua là một điều đáng tiếc, bởi “thời điểm vàng” thoát nạn chỉ có 1 – 2 phút đầu, trong khi nạn nhân vẫn còn thời gian gọi điện cầu cứu ra bên ngoài.
Theo thượng tá Quyến, hiện nay xu hướng phòng trộm mà quên phòng cháy diễn ra ở hầu khắp các dạng nhà. Những nhà dạng ống gần như chỉ có cầu thang trong nhà là lối thoát hiểm duy nhất. Tuy nhiên, khi có cháy, lối thoát này đã bị khói, lửa chặn. Vì thế, phương thức tối ưu nhất của lực lượng phòng cháy, chữa cháy là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn.
Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Do đó, những “chuồng cọp” càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn bởi đường thoát nạn đã bị bịt kín. Nếu người dân đã trót xây dựng “chuồng cọp” để chống trộm, thượng tá Quyến lưu ý bắt buộc phải có cửa thoát hiểm. Có thể dùng chìa khóa hoặc thiết kế khóa vân tay để bảo vệ an ninh, khi cần người dân vẫn có thể nhanh chóng để mở cửa, thoát thân.
“Người dân cần chú ý, không nên sạc các vật dụng như điện thoại, xe đạp, xe máy… khi không có người ở gia đình. Bên cạnh đó, phải có thiết bị đóng ngắt để bảo vệ quá tải dòng điện. Nếu hộ gia đình dùng gas thì trước khi không sử dụng phải khóa van lại chứ không chỉ tắt bếp”, thượng tá Quyến nhấn mạnh.
Về giải pháp lâu dài, đại tá Xiêm cho rằng, việc phổ biến kiến thức thoát nạn và phòng cháy là yếu tố then chốt cần thực hiện. Việc kiểm soát, cách ly nguồn nhiệt cần được lực lượng cơ sở phổ biến rộng rãi hơn tới người dân, đặc biệt thời điểm hè nắng nóng, nguy cơ cháy nổ rất cao.
Ngoài ra, cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương nên có những hướng dẫn cho người dân kỹ năng thoát hiểm, phòng cháy khi xảy ra hỏa hoạn; thậm chí, có thể có chế tài xử phạt đối với những hộ gia đình cố tình cơi nới diện tích bằng “chuồng cọp” để sử dụng, gia tăng nguy cơ cháy nổ.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến việc không có lối thoát hiểm do bị “chuồng cọp” quây kín, gây hậu quả đáng tiếc như: vụ hỏa hoạn tại khu tập thể B9 Kim Liên (Q.Đống Đa) làm 5 người thiệt mạng, 2 người bị thương xảy ra rạng sáng ngày 21.4.2022; vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng (Q.Đống Đa) làm 4 người tử vong ngày 4.4.2021; vụ cháy nhà ngõ 41 phố Vọng (Q.Hai Bà Trưng) năm 2017 làm 2 người thiệt mạng; vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Q.Cầu Giấy) vào năm 2016 làm 13 người thiệt mạng…