Dấu hiệu của người ăn quá nhiều muối là cơ thể tích nước sưng phù, thường xuyên đau đầu, khát nước liên tục, tiểu tiện nhiều lần và thèm đồ ăn mặn.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia ghi nhận trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ăn quá mặn có thể gây ra các bệnh về huyết áp, tim mạch, ảnh hưởng đến chức năng thận, gây loãng xương, mất nước và sưng phù.
Việc nhận biết mình đang ăn quá nhiều muối thường rất khó khăn. Các chuyên gia khuyến nghị bạn theo dõi những dấu hiệu hàng ngày để thấy bản thân có nạp quá nhiều natri hay không.
Cơ thể tích nước, sưng phù
Theo tiến sĩ Maggie Michalczyk, chuyên gia dinh dưỡng Đại học Michigan, ăn mặn khiến cơ thể giữ nước. Lượng chất lỏng dư thừa tồn tại ở mô cơ, dẫn đến sưng tấy, đầy hơi và tạo bọng mắt. Tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái, thiếu sức sống.
Sưng phù cơ thể cũng ảnh hưởng đến thể lực. Lượng muối dư thừa không tác động trực tiếp đến quá trình luyện tập, một số vận động viên báo cáo cảm giác nặng nề, đầy hơi sau khi ăn quá mặn, khiến thành tích giảm sút.
Các chuyên gia khuyến nghị ăn lượng muối vừa phải và các chất điện giải sau mỗi buổi tập luyện, nhưng hạn chế ăn muối trước khi tập.
Thường xuyên đau đầu
Theo tiến sĩ Michalczyk, muối dư thừa gây rối loạn tỷ lệ chất lỏng, khiến natri bị rò khỏi nguồn cung cấp nước của cơ thể, gây đau đầu do mất điện giải. Khi cơ thể thiếu quá nhiều nước, não sẽ co lại.
Ăn mặn cũng có thể dẫn đến buồn nôn, chóng mặt và nôn mửa (trường hợp nghiêm trọng), cơn đau đầu trở nên dữ dội hơn nhiều. Nếu bạn bị đau đầu, chuyên gia khuyến nghị uống nhiều nước lọc để thải natri ra ngoài.
Khát nước liên tục
Biểu hiện khát nước và khô miệng thường là do nồng độ natri quá cao. Thừa muối gây tình trạng thiếu chất lỏng. Cơ thể liên tục ở trạng thái khát để báo hiệu cần lấy lại trạng thái cân bằng.
Để khắc phục tình trạng này, chuyên gia khuyến nghị uống nhiều nước và điều chỉnh lại chế độ ăn hàng ngày. Khát nước quá mức cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Tiểu tiện liên tục
Cơ thể dư thừa natri nên bạn đi vệ sinh thường xuyên hơn. Tiến sĩ Michalczyk giải thích muối tác động đến mức độ chất lỏng trong cơ thể, gây khát cực độ. Muối cũng ảnh hưởng đáng kể đến thận, khiến cơ quan này hoạt động kém hiệu quả. Ăn mặn trong thời gian dài dẫn đến suy thận. Điều cần làm là giảm áp lực lên thận bằng cách giảm lượng muối ăn hàng ngày.
Thèm đồ ăn mặn
Ăn mặn trong thời gian dài có thể tạo ra thói quen và hành vi kém lành mạnh. Khi cơ thể đã quen với mùi vị thức ăn mặn sẽ điều chỉnh để thích nghi. Từ đó, bạn có xu hướng bỏ thêm càng nhiều muối vào các món ăn hàng ngày để thỏa mãn vị giác. Điều này trở thành vòng luẩn quẩn khó phá vỡ.
Để thoát khỏi vòng lặp thói quen thiếu lành mạnh này, tiến sĩ Michalczyk khuyến nghị cắt giảm một lượng muối khỏi khẩu phần ăn, thêm vào thực đơn các gia vị từ thảo mộc. Khi đi ăn ở ngoài, bạn có thể yêu cầu người phục vụ chế biến món ăn nhạt, cho ít muối hơn.
Thục Linh (Theo Eating Well)