Các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn chưa đạt thỏa thuận về nâng trần nợ công nhằm ngăn chặn nguy cơ Chính phủ Mỹ rơi vào cảnh “đóng cửa”. Nếu xảy ra, tình trạng “vỡ nợ” có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái sâu, gây mất ổn định hệ thống tài chính toàn cầu.
Ảnh minh họa |
Tại một góc phố trên Ðại lộ 6, quận Manhattan, trung tâm thành phố New York có treo một chiếc đồng hồ đặc biệt – đồng hồ đo nợ công. Trên đó, số nợ quốc gia của Mỹ được cập nhật liên tục theo thời gian thực.
Hồi tháng 1 vừa qua, nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm giới hạn vay 31.400 tỷ USD, khiến Bộ Tài chính Mỹ phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để Chính phủ có thể tiếp tục trang trải hoạt động. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, cơ quan này không còn nhiều dư địa để thực hiện các biện pháp đặc biệt như vậy.
Theo tính toán của Bộ Tài chính Mỹ, Chính phủ Mỹ sẽ không thể tiếp tục đáp ứng tất cả nghĩa vụ tài chính từ đầu tháng 6 tới, nếu Quốc hội không nâng mức trần hoặc đình chỉ áp dụng giới hạn nợ công. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ cũng ước tính, các khoản thu thuế đến hết tháng 4 vừa qua ít hơn so với dự đoán của CBO đưa ra hồi tháng 2, do đó nhiều khả năng Bộ Tài chính Mỹ sẽ “cạn tiền” vào đầu tháng 6 tới.
Trần nợ là mức giới hạn mà Chính phủ Mỹ có thể vay để thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Khi các khoản nợ chạm trần, việc nâng giới hạn nợ lên mức cao hơn do Quốc hội quyết định và phải được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua. |
Trần nợ là mức giới hạn mà Chính phủ Mỹ có thể vay để thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Khi các khoản nợ chạm trần, việc nâng giới hạn nợ lên mức cao hơn do Quốc hội quyết định và phải được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua. Từ năm 1960 đến nay, Quốc hội Mỹ đã 78 lần nâng trần nợ công, phần lớn trong đó diễn ra khá suôn sẻ. Tuy nhiên, sự bế tắc kéo dài nhiều tháng trong đàm phán lần này giữa các nhà lập pháp đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa làm gia tăng lo ngại về khả năng Chính phủ Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ.
Bộ trưởng Yellen nhiều lần tái khẳng định quan điểm nếu Quốc hội không tăng mức trần nợ, hậu quả đối với nền kinh tế sẽ rất nghiêm trọng. Theo bà Yellen, việc rơi vào cảnh vỡ nợ sẽ xóa bỏ những thành quả mà nước Mỹ đã rất nỗ lực mới có được trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, làm lung lay vị thế nền kinh tế số 1 thế giới. Mất việc làm, hay đối mặt các khoản thanh toán, chi phí vay thế chấp, tín dụng tăng cao là những tổn thất mà người dân Mỹ phải hứng chịu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ không thể trả các khoản nợ. Niềm tin vào hệ thống tài chính quan trọng nhất thế giới bị lung lay có thể châm ngòi một cuộc suy thoái toàn cầu. Vì vậy, các nhà quản lý kinh tế tại các nước đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tài chính của Mỹ và hy vọng giới chức Mỹ sẽ có quyết định đúng đắn, kịp thời ngăn chặn những rủi ro có thể xảy đến với tiến trình phục hồi vẫn mong manh của nền kinh tế toàn cầu.
Hạ viện Mỹ, do phe Cộng hòa nắm thế đa số, đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, song lại đi kèm với điều kiện cắt giảm mạnh chi tiêu của Chính phủ, vốn là điều mà Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ phản đối. Ðảng Cộng hòa đồng ý nâng trần nợ, nhưng yêu cầu cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực quốc phòng, giáo dục, đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với các chương trình phúc lợi xã hội, rút lại nhiều kế hoạch trong Ðạo luật Giảm lạm phát do Tổng thống Biden khởi xướng…
Nhà trắng tuyên bố, dự luật của đảng Cộng hòa không có cơ hội trở thành luật, bởi Tổng thống Biden sẽ không bao giờ buộc các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và người lao động chịu gánh nặng từ việc giảm thuế cho người giàu, như dự luật trên đề xuất. Tổng thống Biden và các nghị sĩ hàng đầu của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã thảo luận trực tiếp, song hai bên vẫn tỏ ý không nhượng bộ. Cuộc họp về trần nợ công giữa Tổng thống Biden và các đại diện cấp cao của đảng Cộng hòa dự kiến diễn ra hôm 12/5 đã bị hoãn.
Ðều tỏ ra khá cứng rắn trong đàm phán thời gian qua, song theo giới quan sát, trước sự cấp bách của tình hình hiện nay, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn sẽ thỏa hiệp và có sự nhượng bộ nhất định, để tránh đẩy Chính phủ Mỹ vào tình trạng vỡ nợ, với hậu quả khôn lường.
(Theo Nhandan.vn)