Chia sẻ với Thời báo Ngân hàng, ông Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) nhận định, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã kịp thời bổ sung một số nội dung cần thiết hỗ trợ cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh, toàn diện, hiệu quả, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý không chỉ thuộc trách nhiệm của riêng ngành Ngân hàng.
Ông đánh giá như thế nào về quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan tới chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam hiện nay?
Có thể nói sự phát triển mạnh mẽ của tài chính kỹ thuật số (gọi chung là công nghệ tài chính hoặc fintech) trên quy mô toàn cầu đang đặt ra yêu cầu phải có phản ứng pháp lý phù hợp. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có một quốc gia nào tuyên bố đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý cho hoạt động này. Tại Việt Nam, Đảng, Quốc hội, Chính phủ có rất nhiều chiến lược, nghị quyết thể hiện quyết tâm chuyển đổi số. Bản thân NHNN, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đều đã có những kế hoạch hành động hiện thực hoá chủ trương này. Nhưng vấn đề pháp lý, thể chế vẫn đang là thách thức lớn.
Trên thị trường tài chính – ngân hàng hiện có ba luật chính điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tham gia thị trường này, đó là Luật Các TCTD, Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Chứng khoán. Trong đó Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua tại nhiệm kỳ khóa XIV, việc sửa đổi tiếp hai luật này hiện chưa thấy trong chương trình xây dựng pháp luật trong thời gian tới. Vì vậy, việc bổ sung những nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Luật Các TCTD là rất quan trọng.
Dự thảo Luật Các TCTC (sửa đổi) có những quy định gì để góp phần hoàn thiện thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thưa ông?
Trong Dự thảo sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo đã kịp thời bổ sung một số nội dung cần thiết. Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc TCTD được thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN về các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của TCTD và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Thứ hai, bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về quy định nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng. Thứ ba, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Thứ tư, bổ sung hoạt động dịch vụ ngân quỹ, “giao đại lý” trong lĩnh vực thanh toán.
Đây là những quy định mới, rất cần thiết và hợp lý. Tôi cho rằng, trên cơ sở những nội dung quy định mang tính nguyên tắc này, Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục ban hành những văn bản pháp lý dưới luật. Đó chính là hành lang pháp lý cần thiết cho các NHTM, các TCTD triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động của mình.
Theo quan điểm của ông thì vấn đề pháp lý, thể chế vẫn là thách thức lớn cho công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, mặc dù NHNN đã bổ sung, sửa đổi nhiều vấn đề quan trọng tại dự thảo luật lần này?
Có thể nói rằng, ngành Ngân hàng với sự chủ động của NHNN đang đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên khung khổ pháp lý đối với hoạt động chuyển đổi số lĩnh vực tài chính – ngân hàng không hoàn toàn thuộc thẩm quyền của một bộ, ngành nào, mà nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Tôi lấy ví dụ, trong khi số hóa các quy trình thì vẫn có quy định về thủ tục yêu cầu giao dịch trực tiếp, do quy định về xác thực danh tính khách hàng thông qua nền tảng số chưa cụ thể; chưa có nguồn thông tin đảm bảo thông qua kho dữ liệu dân cư để xác định danh tính người tiêu dùng; các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số chưa bắt kịp quá trình chuyển đổi số; hay các quy định về tố tụng, sở hữu trí tuệ, hình sự chưa rõ ràng…
Ngành Ngân hàng với sự chủ động của NHNN đang đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số |
Có thể nói rằng tiềm năng của các công ty fintech của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên do môi trường pháp lý chưa rõ ràng, đầy đủ; niềm tin của người tiêu dùng và của thị trường còn ở mức độ khiêm tốn, vì vậy hoạt động của fintech hiện nay còn hạn chế so với tiềm năng. So với các nước trong khu vực, các sản phẩm như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, tư vấn tài chính, tư vấn quản lý tài sản, quản trị dữ liệu, công nghệ bảo hiểm… vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có quy định đầy đủ, chính thức nào liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của ngân hàng số. Theo xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp và công nghệ số, ngân hàng số ngày càng phát triển mạnh mẽ, vì loại hình ngân hàng này mang đến những lợi ích rất lớn cho người dùng, như giao dịch tiện lợi, tiết kiệm thời gian và công sức, tiết kiệm chi phí và bảo mật dữ liệu an toàn. Ngân hàng số không thay thế cho các ngân hàng truyền thống mà hỗ trợ tích cực cho chiến lược tài chính toàn diện và xóa đói giảm nghèo của các quốc gia. Có thể trong một tương lai không xa tại thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam sẽ xuất hiện yêu cầu về sự có mặt của ngân hàng số.
Như ông đã nói, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động chuyển đổi số tài chính – ngân hàng là khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà cả trên quy mô toàn cầu. Xin ông phân tích cụ thể hơn về những khó khăn đó?
Về nguyên tắc, khi ban hành một quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động cho một tổ chức trên thị trường tài chính – ngân hàng phải đảm bảo ba yếu tố. Thứ nhất, đảm bảo tính chắc chắn về pháp lý, tức là phải định nghĩa rõ ràng sản phẩm gì được đưa ra thị trường và quy định rõ ràng về điều kiện để thực hiện cung cấp sản phẩm đó. Thứ hai, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các bên tham gia thị trường. Thứ ba, đảm bảo tính tương xứng giữa những yêu cầu về quy định pháp lý với mức độ rủi ro.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực chuyển đổi số thì tốc độ phát triển và sự biến động, linh hoạt, sự thay đổi từ không trọng yếu trở thành trọng yếu là rất nhanh; sự phức tạp và yêu cầu chuyên môn rất cao cả về lĩnh vực tài chính ngân hàng và công nghệ thông tin, công nghệ số, các thuật toán cũng như khả năng xác định đầy đủ ngay về mức độ rủi ro là vô cùng khó. Đây chính là trở ngại chính cho việc ban hành các quy định pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và hoạt động của các fintech nói riêng trên thị trường tài chính – ngân hàng. Đây cũng là khó khăn cho cả các nước phát triển. Ở những nước này, để phục vụ cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì phải tổ chức các cuộc đối thoại cởi mở với sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan quản lý, đại diện các công ty fintech và cả các chuyên gia và giới học thuật. Trong khi chưa có quy định cụ thể, chưa thể xác định rõ mức độ rủi ro, các cơ quan quản lý các nước này tiến hành Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox).
Xin trân trọng cảm ơn ông!