Tăng quy mô đội máy bay lên 100 chiếc
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, cho biết sau đại hội đồng cổ đông được tổ chức thành công ngày 9.5 vừa qua, phương án hoán đổi nợ và tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỉ đồng đang mở ra nhiều triển vọng tích cực cho hoạt động của Bamboo Airways.
“Việc thoái vốn hoàn toàn khỏi Bamboo Airways của Tập đoàn FLC cũng đưa cơ cấu Bamboo Airways trở nên tập trung hơn, hoạt động trở nên độc lập”, tân Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways chia sẻ và cho hay, những nguồn lực bổ sung này đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ đối với công cuộc tái cơ cấu, mà còn mang tính quyết định quy mô tăng trưởng của Bamboo Airways cho những năm tới.
Nhiều kế hoạch trọng yếu bị đình trệ bởi khủng hoảng, sẽ được Bamboo Airways tái khởi động và đẩy mạnh quyết liệt.
Lãnh đạo Bamboo Airways cũng tiết lộ, đối với mạng đường bay, sau khi hoàn thành kết nối với toàn bộ 22 cảng hàng không thương mại nội địa, Bamboo Airways tập trung mở rộng mạng bay quốc tế trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên tập trung kết nối với các sân bay lớn tại châu Á, châu Âu, châu Úc… Góp phần thúc đẩy quá trình đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ hàng không của châu Á nói chung, nâng cao vị thế điểm đến của quốc gia.
Đặc biệt, Bamboo Airways đặt kế hoạch nâng quy mô đội máy bay lên 100 chiếc vào giai đoạn 2028 – 2030 tùy điều kiện cho phép. Công tác nâng tầm dịch vụ định hướng chuẩn quốc tế tiếp tục là chủ trương thông suốt, để tiếp cận và phục vụ hiệu quả tập khách hàng tại các nước phát triển.
“Kết quả nhắm tới sau cùng, là đưa Bamboo Airways vượt qua giới hạn của một thương hiệu Việt Nam, để trở thành thương hiệu hàng không mang tầm châu Á và thế giới”, Chủ tịch Bamboo Airways bày tỏ tham vọng.
Ngoài ra, để bổ trợ cho hoạt động vận tải cốt lõi, Bamboo Airways đang xây dựng các hệ sinh thái xoay quanh, như cung ứng dịch vụ mặt đất, hạ tầng kỹ thuật, cung ứng suất ăn, vận tải hàng hóa…
Đối với chuyển đổi số, hệ thống công nghệ thông tin không ngừng được cải tiến, đổi mới, sẽ trợ giúp hiệu quả các hoạt động quản lý, khai thác, chăm sóc khách hàng… Trọng tâm là Hệ thống dịch vụ hành khách (PSS) hợp tác với công nghệ hàng đầu thế giới Amadeus sẽ tiếp tục được nâng cấp mạnh mẽ, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng từ việc đặt vé đến làm thủ tục ở sân bay, đồng thời là nền móng phát triển quốc tế về mạng bán và hợp tác quốc tế.
Một hệ thống PSS hiện đại cũng sẽ là điều kiện cần để Bamboo Airways hiện thực hóa mục tiêu tham gia liên minh hàng không trong tương lai gần. Đặc biệt, xuyên suốt các mục tiêu này, tính an toàn tuyệt đối trong khai thác vẫn luôn là kim chỉ nam của mọi hoạt động của hãng.
Tiến ra thị trường châu Á
Liên tục mở các đường bay quốc tế trong thời gian gần đây, Bamboo Airways nuôi tham vọng mở rộng thị trường quốc tế, mà trước mắt là thị trường châu Á.
“Đây đều là những chiến dịch lớn, mang tính tái định hình tương lai của Bamboo Airways. Để triển khai hiệu quả, buộc cả bộ máy quản trị và điều hành phải có sự cải tổ đi sâu vào thực chất. Trong đó, không loại trừ cả những chuyển dịch quyết liệt nhất nếu cần thiết, cả ở các vị trí cấp cao trong hội đồng quản trị và ban điều hành”, ông Trọng nói.
Để chuẩn bị cho những mục tiêu tham vọng này, tiến trình tái cấu trúc theo hướng tinh gọn về bộ máy, tinh nhuệ về chuyên môn, sẽ được hãng tiếp tục tiến hành rốt ráo.
Thành phần ban tổng giám đốc cũng sẽ được bổ sung và đổi mới để tạo động lực phát triển. Các hội đồng chuyên môn mới sẽ được thành lập, phụ trách các nghiệp vụ trọng yếu như an toàn an ninh kỹ thuật; khai thác và dịch vụ; kinh doanh…
Đáng chú ý, Chủ tịch Bamboo Airways cũng hé lộ đang cân nhắc cả các phương án liên doanh, hợp tác với các hãng bay uy tín quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt là kế hoạch chiêu mộ nhiều nhân tài với profile cao cấp nhất ở tầm quốc tế.
Trước mắt, dự kiến ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không – hãng hàng không Japan Airlines sẽ tham gia HĐQT Bamboo Airways và giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp, ông Masaru Onishi – cựu Chủ tịch Japan Airlines sẽ đảm nhiệm vị trí Cố vấn cao cấp của HĐQT Bamboo Airways.
“Sau 4 năm đi vào hoạt động và tạo được chỗ đứng nhất định tại Việt Nam, Bamboo Airways đang nghiêm túc đầu tư vào một giai đoạn phát triển mới, để tiến nhanh, tiến mạnh ra thị trường châu Á”, ông Trọng cho hay.
Ngày 9.5, Đại hội cổ đông bất thường của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được tổ chức thành công. Ông Lê Thái Sâm đã nhận toàn bộ hơn 401,5 triệu cổ phần Bamboo Airways của Tập đoàn FLC. Tập đoàn FLC chính thức thoái vốn hoàn toàn khỏi Bamboo Airways.
Tính gộp cả phần FLC chuyển nhượng, sau khi hoàn thành thủ tục, ông Sâm có thể nắm đến hơn 34% vốn Bamboo Airways. Cộng gộp với số cổ phần sau khi hoàn thành thủ tục hoán đổi nợ đã được thông qua tại đại hội cổ đông Bamboo Airways, tỷ lệ sở hữu của ông Lê Thái Sâm tại Bamboo Airways sau khi tăng vốn lên 26.220 tỉ đồng sẽ đạt tới 53,59%