Có bài phát biểu tâm huyết tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử mong muốn nghe thêm nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc ứng dụng đề tài, dự án khoa học và công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Theo Sở KH&CN, tại Cà Mau, từ năm 2020-2023, nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt và nhiệm vụ thuộc các chương trình do Sở KH&CN quản lý, phê duyệt đưa vào danh mục là 89 đề tài, dự án.
Trong đó, lĩnh vực khoa học xã hội 8 nhiệm vụ; nông nghiệp 59 nhiệm vụ; y dược 4 nhiệm vụ; kỹ thuật và công nghệ 17 nhiệm vụ; khoa học tự nhiên 1 nhiệm vụ.
Nhìn chung, đa số các đề tài, dự án được triển khai ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực, như: Cung cấp cơ sở dữ liệu, luận cứ khoa học, phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực; cung cấp các giải pháp, biện pháp thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
Một số đề tài gắn với đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm của cán bộ tham gia làm công tác tham mưu, quản lý chuyên ngành. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng, triển khai đã đóng góp tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhiều đề tài, dự án trên lĩnh vực nông nghiệp được triển khai ứng dụng mang lại hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong giai đoạn này, Sở KH&CN đã tổ chức hội đồng nghiệm thu, thanh lý hợp đồng 59 đề tài, dự án.
Trong đó, xếp loại từ đạt trở lên là 50 nhiệm vụ; 3 nhiệm vụ xếp loại không đạt và xử lý 6 nhiệm vụ do vi phạm hợp đồng, gặp sự cố phải dừng thực hiện.
Trên 70% đề tài, dự án triển khai thực hiện đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực.
Điển hình như: Đề tài “Khảo sát và đánh giá nguồn tài nguyên cây thuốc nam và kiến thức sử dụng cây thuốc nam của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau”; Đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cà Mau trong bối cảnh đổi mới giáo dục”; Đề tài “Chọn giống lúa chịu mặn năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Cà Mau”; dự án “Xây dựng mô hình lúa – tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGap vùng Bắc Cà Mau, tỉnh Cà Mau”; Dự án “Phát triển quy trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ Biofloc tại tỉnh Cà Mau”…
Hội thảo ghi nhận nhiều tham luận của đại biểu.
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, thời gian qua, Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhận thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống chưa nhiều, chính vì vậy, UBND tỉnh và Sở KH&CN tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
“Đây là năm thứ hai tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề. Với nguồn kinh phí ít ỏi, mong muốn có nhiều đề tài, dự án khoa học sát với địa phương, chính vì thế ngành KH&CN cần cho biết rõ đang gặp khó khăn, vướng mắc gì để các chuyên gia đầu ngành hiến kế”, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
Tại hội thảo, bên cạnh ghi nhận kết quả đạt được, nhiều đại biểu đã tham luận chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như: Nhiều đề xuất chưa sát với nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh dẫn tới số lượng đề xuất hằng năm nhiều, nhưng số lượng được lựa chọn trình phê duyệt ít; một số đề tài, dự án được lựa chọn đưa vào danh mục thực hiện quy mô còn nhỏ, chưa giải quyết thoả đáng tính cấp thiết trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tính ứng dụng chưa cao, chưa tạo được đột phá lớn.
Hầu hết các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN hàng năm, Sở KH&CN (Cơ quan thường trực) tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học trên cơ sở nhiệm vụ đơn vị đề xuất tự có, đáp ứng nhu cầu thực tiễn địa phương chưa cao, nên kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu cũng còn hạn chế,…
Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 2 tập thể và 5 cá nhân có thành tích trong công tác đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, thử nghiệm và đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân.
Đặc biệt, các dự án cấp nhà nước, Bộ KH&CN giải ngân kinh phí rất chậm so với hợp đồng KH&CN đã ký kết, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án triển khai. Hiện có 3/7 đề tài, dự án Bộ KH&CN đã thẩm định kinh phí từ năm 2021 nhưng đến nay chưa ký kết hợp đồng và giải ngân kinh phí thực hiên.
Khó khăn hơn nữa là cơ chế tài chính trong đấu thầu mua sắm nguyên liệu, thiết bị phục vụ nghiên cứu đề tài, dự án còn gặp nhiều bất cập. Với vấn đề quy định đối ứng trong nghiên cứu, thử nghiệm, vốn đối ứng đầu tư cao nhưng lại bị vốn ngân sách chi phối cả nguồn đối ứng bắt buộc theo cơ chế đấu thầu nên doanh nghiệp thấy phiền và ngán ngại tham gia…
Phú Hữu