Ngày 12/5, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan có buổi tiếp ông Kitack Lim – Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IOM).
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá, chuyến công tác của Tổng Thư ký IMO tới Việt Nam lần này rất quan trọng, để dự Hội nghị nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN lần thứ 44 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng.
Hoạt động để củng cố thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên trong chặng đường gần 40 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập IMO (1984-2023).
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cảm ơn sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của IMO dưới sự chỉ đạo của ông Kitack Lim trong thời gian vừa qua đối với Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động hàng hải và tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam.
Thứ trưởng thông tin, hiện nay, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực hàng hải và xây dựng kết cấu giao thông vận tải đường biển.
“Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của IMO trong việc coi thuyền viên là lao động chính thức. Cụ thể, Việt Nam đã có quy định người lao động trong lĩnh vực hàng hải là lao động được áp dụng một số chế độ phù hợp (về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; hợp đồng lao động; tiền lương, tiền thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn, vệ sinh lao động) quy định tại Điều 166 Bộ Luật Lao động 2019”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay Việt Nam đang đưa lao động thuyền viên đi làm việc tại một số nước như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore…, trong đó, có khoảng 2.700 lao động thuyền viên làm việc trên các tàu cá, tàu vận tải ở Hàn Quốc, 3.000 thuyền viên làm việc tại Đài Loan, 4.554 thuyền viên làm việc tại Nhật Bản…
“Việt Nam luôn chú trọng việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động là thuyền viên. Năm 2021, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội (BHXH).
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục xúc tiến ký kết các hiệp định song phương về BHXH với Nhật Bản, Đức và một số quốc gia khác có nhiều người Việt Nam làm việc”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chia sẻ.
Tại buổi tiếp, Tổng Thư ký IMO Kitack Lim đánh giá cao những thành tựu mà Chính phủ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đã đạt được trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng hải.
Ông Kitack Lim chia sẻ, ngành hàng hải hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nguy cơ thiếu hụt nhân lực do áp lực, sự vất vả của ngành hàng hải.
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện cam kết về mức phát thải khí carbon tại Hội nghị COP26, các tàu vận tải đang dần chuyển sang sử dụng các nhiên liệu khác, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Sau chuyến thăm Đại học Hàng hải Việt Nam, tôi thấy rằng nguồn nhân lực ngành này rất dồi dào. Vài năm trở lại đây, số lượng thuyền viên của Việt Nam không ngừng tăng lên từ 30.000 lên 50.000 người.
Cùng với đó, số lượng ngư dân người Việt tham gia vào các đội tàu đánh cá quốc tế cũng rất ấn tượng. Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp mạnh mẽ hơn nữa vào hoạt động hàng hải quốc tế nói chung và Tổ chức Hàng hải quốc tế nói riêng”, Tổng thư ký IMO trao đổi.
Ông Kitack Lim đề nghị Việt Nam sớm phê chuẩn Công ước STCW78 về tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên và Hiệp định Cape Town năm 2012 về an toàn hàng hải nói chung và an toàn tàu cá.
Về những nội dung ông Kitack Lim đề cập, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, đây cũng là những vấn đề Bộ LĐ-TB&XH rất quan tâm. Ông khẳng định đào tạo nguồn nhân lực nói chung, lao động chất lượng cao ngành hàng hải nói riêng là một trong những đột phá chiến lược mà Việt Nam hướng tới.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu để Chính phủ sớm phê chuẩn 2 Công ước mà Tổng thư ký IMO đã đề cập.
Thứ trưởng kiến nghị phía IOM tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ ASEAN nói chung và dành sự quan tâm cho Việt Nam nói riêng để Việt Nam nâng cao vai trò cũng như phát triển kinh tế biển, đặc biệt là lực lượng thuyền viên.