Việc mua sắm tập trung đã được quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, theo đó, đơn vị mua sắm tập trung bao gồm: Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia tại Bộ Tài chính; Đơn vị mua sắm tập trung thuốc tại Bộ Y tế; Đơn vị mua sắm tập trung của các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh.
Mua sắm tập trung do đơn vị chuyên môn về mua sắm thực hiện có ưu điểm là có thể có hiệu quả kinh tế nếu số lượng mua sắm lớn, giá cả thống nhất, hạn chế một số sai sót so với việc các cơ sở y tế tự thực hiện. Tuy nhiên, việc giao cho đơn vị chuyên môn mua sắm thực hiện mua sắm tập trung cũng có những khó khăn, hạn chế như phải cần thời gian để xây dựng năng lực của đơn vị mua sắm; việc tập hợp nhu cầu sử dụng vật tư, trang thiết bị, hoá chất, thuốc cần nhiều thời gian trong khi mỗi đơn vị sử dụng có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hoá khác nhau, nhất là khi dịch bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp nếu không khẩn trương mua sắm sẽ không đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch.
Hiện nay, tại Bộ Y tế đã có Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, tại một số địa phương đã hình thành đơn vị mua sắm tập trung và đã tổ chức mua sắm tập trung một số loại thuốc biệt dược, thuốc generic, vật tư, trang thiết bị y tế, bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định về kinh tế, nhưng cũng nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc như đã nêu trên.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các quy định về mua sắm tập trung để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp, qua đó thúc đẩy việc thành lập các đơn vị mua sắm chuyên nghiệp để thực hiện mua sắm tập trung một số vật tư, trang thiết bị, hoá chất phù hợp, có hiệu quả tại cả cấp trung ương và cấp địa phương; đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách về mua sắm, đấu thầu để hạn chế các sai sót, cho dù là giao cho đơn vị mua sắm chuyên nghiệp hay các đơn vị chủ động thực hiện.
Đồng thời, cử tri Tây Ninh cũng có ý kiến: Năng lực tổ chức thực hiện công tác đấu thầu thuốc tại Sở Y tế còn hạn chế, các thành viên tham gia đấu thầu thuốc đều là công tác kiêm nhiệm, chủ yếu làm công tác chuyên môn, không am hiểu sâu quy định pháp luật về đấu thầu.
Bên cạnh đó, quá trình đấu thầu thuốc tập trung đòi hỏi phải huy động một lực lượng lớn nhân sự từ các cơ sở y tế và các cơ quan liên quan tham gia (khoảng 6 tháng), làm ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn khác, trong khi một số đơn vị không hợp tác tham gia do thiếu nhân sự, nhân sự tham gia chế độ chưa được bảo đảm.
Từ đó, dễ dẫn đến thiếu sót do áp lực về tiến độ thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu và thời gian trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Cử tri kiến nghị Chính phủ thành lập Trung tâm mua sắm tập trung cấp tỉnh/cấp khu vực để thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư y tế, vaccine, hoá chất – sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế. Kiến nghị này được Bộ Y tế trả lời như sau:
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các quy định về mua sắm tập trung để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp nhằm thúc đẩy việc thành lập các đơn vị mua sắm chuyên nghiệp để thực hiện mua sắm tập trung một số vật tư, trang thiết bị, hoá chất phù hợp, có hiệu quả tại cả cấp trung ương và cấp địa phương. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về mua sắm, đấu thầu để hạn chế các sai sót, cho dù là giao cho đơn vị mua sắm chuyên nghiệp hay các đơn vị chủ động thực hiện.
An Khang