Sẽ nâng cao trình độ thẩm phán xét xử án phá sản
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sáng 20/3, đại biểu Hoàng Văn Liên (đoàn Long An) chỉ ra trong báo cáo của TAND Tối cao gửi Quốc hội có nêu tỉ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản của doanh nghiệp chưa cao. Vị đại biểu đề nghị Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trả lời đại biểu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận đang có vấn đề về án phá sản. Ông Bình lý giải, quy định trong luật hiện hành của Việt Nam về phá sản của doanh nghiệp khác nhiều nước trên thế giới.
Ở nhiều nước, pháp luật coi phá sản là quá trình phục hồi của doanh nghiệp, coi việc kết thúc của doanh nghiệp bê bết, thua lỗ như một sự tái cơ cấu kinh tế. Ngược lại, ở Việt Nam coi phá sản là việc rất nghiêm trọng.
“Chúng ta quy định ngặt nghèo về trình tự phá sản, từ các quy định về quản tài viên, điều kiện mở thủ tục phá sản rồi yêu cầu đóng kinh phí. Người ta hết tiền, phá sản rồi lại bắt đóng kinh phí để làm thủ tục tuyên bố phá sản. Có những quy định tương đối bất cập nên trên thực tế tỉ lệ giải quyết các vụ việc phá sản còn hạn chế”, ông Bình nêu.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Bình cho biết, 6.000 thẩm phán hiện nay rất giỏi xét xử các vụ án hình sự, dân sự nhưng kinh nghiệm trong các vụ án phá sản còn thiếu. “Đây là điều có thật”, ông Bình nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng này, TAND tối cao tiếp tục đề xuất Quốc hội sửa Luật Phá sản nhằm tháo gỡ các khó khăn hiện nay. Về phía tòa án, sẽ tiếp tục nâng cao trình độ thẩm phán để xét xử, giải quyết các vụ án phá sản.
Bên cạnh đó, ông Bình cho hay, sắp tới trong sửa Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ đề xuất xây dựng tòa án chuyên biệt thành lập tại các trung tâm kinh tế lớn chuyên xét xử các vụ án phá sản. “Với tòa án chuyên biệt thì tính chuyên môn của xét xử các vụ việc phá sản sẽ tốt hơn, chất lượng sẽ khác hơn”, ông Bình khẳng định.
Trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội phục vụ phiên chất vấn, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định hạn chế là tỉ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản còn chưa cao. Quá trình giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, các tòa án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan.
Cụ thể, xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, quyền, nghĩa vụ của quản tài viên, việc giám sát hoạt động của quản tài viên, về tạm ứng chi phí phá sản…
Thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn ít, chưa đạt kỳ vọng theo mong muốn của Quốc hội và của người dân.
“Thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan như thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng được nhiều và đạt được theo kỳ vọng của người dân?”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp hỏi.
Trả lời, Chánh án TAND Tối cao cho biết trên thế giới cũng như nước ta không bao giờ thu hồi được tài sản tham nhũng triệt để. “Vừa qua tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 40% số tài sản thất thoát do tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận của các cơ quan thi hành tố tụng”, ông Bình cho hay.
Để thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỉ lệ cao hơn, ông Bình cho rằng cần thêm cơ chế. Bởi theo luật hiện hành, chúng ta quy định chỉ thu hồi số tài sản tham nhũng nếu cơ quan tố tụng chứng minh tài sản đó có nguồn gốc từ tham nhũng.
Nếu không chứng minh được thì rất khó. Vì thế, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan phải nâng cao chất lượng, kịp thời phong tỏa tài sản có dấu hiệu tham nhũng.
Nói thêm thực tế trên thế giới, ông Bình cho biết tham nhũng là tội đặc thù nên bên cạnh nghĩa vụ chứng minh của các cơ quan tố tụng, nhiều nước quy định thêm cơ chế tăng nghĩa vụ giải trình của các bị can tham nhũng. “Nếu các bị can này không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì số tài sản đó sẽ bị tịch thu”, ông nói.
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hóa) cũng đặt hỏi về thực tế thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. “Một số vụ việc kê biên, thu hồi tài sản chậm do vướng mắc trong xử lý tài sản chung và riêng. Hướng xử lý vấn đề này thế nào?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực tế trong vụ án có ngôi nhà hình thành trong hôn nhân, có công của vợ chồng, con cái nên không thể thu hồi và buộc phải tuân thủ điều này.
Muốn thực hiện tốt, ông cho rằng phải có được cơ chế như nhiều nước áp dụng, điển hình là cơ chế phi hình sự, tăng trách nhiệm giải trình của người liên quan. “Nếu có vài cái nhà mà quan chức không giải trình được tài sản hình thành thế nào, tính hợp lý không được công nhận thì tài sản đó sẽ tịch thu”, ông Bình nói.