Bám sát quan điểm chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách, nhằm đưa KH&CN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, quyết định năng suất lao động. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 89 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 (có hiệu lực từ tháng 5/2020). Thông qua các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tích cực sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, chúng ta đã “đi tắt, đón đầu” nhiều công nghệ mới, từ đó giảm được chi phí nghiên cứu ban đầu, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Các hội thảo KH&CN là sân chơi bổ ích để các DN công nghệ giao lưu, đánh giá sản phẩm, từ đó thúc đẩy thị trường KHCN trong tỉnh phát triển. Ảnh: Chu Kiều
Việc ban hành Nghị quyết số 89 ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020- 2025 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc khuyến khích các DN ứng dụng KH vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả kinh tế, bước đầu hình thành và phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên đến nay, sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết đã bộc lộ những bất cập về đối tượng, nguyên tắc hỗ trợ, nội dung, thủ tục hành chính…, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới.
Xác định những vấn đề bất cập tổng quan, trên cơ sở bối cảnh và mục tiêu xây dựng chính sách, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 89 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020- 2025.
UBND tỉnh xây dựng báo cáo “Đánh giá tác động của chính sách Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết quyết số 89/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020- 2025”.
Trong đó xác định cụ thể những vấn đề bất cập, mục tiêu giải quyết, đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề và đánh giá tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan.
Trên cơ sở tổng hợp, lựa chọn ý kiến của các sở ngành, UBND cấp huyện và một số DN trên địa bàn tỉnh cũng như các tổ chức tham gia hoạt động KH& CN, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành và giám sát đánh giá việc thực hiện chính sách.
“KH&CN cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển KT-XH, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công CNXH; CNH, HĐH đất nước phải bằng và dựa vào KH&CN” là một trong những nội dung trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 2 Khóa VIII.
Công ty Cổ phần tập đoàn CNCTech (KCN Thăng Long Vĩnh Phúc) là doanh nghiệp hàng đầu là doanh nghiệp hàng đầu ứng dụng KHCN đổi mới sáng tạo. Ảnh: Thế Hùng
Nhất quán quan điểm đó, tại Nghị quyết số 20 ngày 1/11/2012 của Hội nghị lần thứ VI BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Phát KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” tiếp tục khẳng định: “Phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển KT- XH và bảo vệ Tổ quốc”.
Điều này cho thấy, đây là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp.
Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng KHCN&ĐMST…”.
Cùng với không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý nhà nước về KH&CN, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm.
Đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về KH&CN; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức để triển khai các nhiệm vụ KH&CN đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ…
Có thể khẳng định, hệ thống văn bản pháp lý đã và đang tạo điều kiện để KH&CN Việt Nam hội nhập và phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều mặt trong đời sống xã hội.
Cùng với việc mở ra cơ hội, thì đây cũng là thách thức đối với các DN và cơ quan quản lý, hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ.
Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh, buộc các DN phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Bởi đổi mới CN là một trong những phương pháp tiếp cận nhanh nhất các CN hiện đại trên thế giới, giúp chúng ta bắt kịp hoặc thu hẹp khoảng cách hiện nay về CN với các nước tiên tiến.
Mục tiêu của việc xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 89 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025 nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, tích cực góp phần thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH của tỉnh, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn và bắt kịp cũng như thu hẹp khoảng cách hiện nay về công nghệ với các nước tiên tiến trên thế giới.
Anh Tú