Một trang trại heo với hàng ngàn con heo được nuôi theo quy trình chăm sóc kỹ càng. Dù giữa cơn dịch tả heo châu Phi, trang trại vẫn an toàn, với những con heo đạt chất lượng tốt nhất. Đó là trại heo của một nông hộ ở thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà.
Anh Nguyễn Văn Bình kiểm tra máy cho heo ăn |
Anh Nguyễn Văn Bình, người nông dân có nụ cười rạng rỡ thoải mái chia sẻ với khách tới thăm trại, khách muốn vào tham quan chuồng trại cần mặc đồ bảo hộ, qua hệ thống khử trùng đúng quy định. Khử trùng đúng quy trình là để đảm bảo đàn heo không bị lây bệnh, tránh được những dịch bệnh đã gây hại rất lớn cho đàn heo Lâm Đồng. Cũng vì quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, trại heo của anh Bình đã an toàn qua các đợt dịch heo tai xanh, dịch tả heo châu Phi, mang lại tiền tỷ cho chủ trang trại.
Anh Nguyễn Văn Bình chia sẻ, là nông dân, có hai vấn đề ngần ngại nhất là đầu ra và tình hình dịch bệnh. Với cây trồng đã khó khăn, chăn nuôi còn vất vả hơn nhiều vì chi phí rất cao, nếu giá thấp hoặc gặp dịch bệnh thì thiệt hại với nông dân rất lớn. Bởi vậy, khi bắt tay vào chăn nuôi, anh Bình đã quyết định theo hướng xây chuồng trại đạt chuẩn, chăn nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP. Anh Bình chia sẻ: “Nuôi gia công cho công ty nghĩa là heo giống, thuốc, thức ăn các loại đều của công ty giao cho nông dân. Mình chỉ có chuồng và chăm sóc đúng quy trình do công ty quy định. Tới ngày theo kế hoạch, công ty đến cân heo và trả cho nông dân số tiền công trên số trọng lượng heo. Nuôi gia công thì không trúng giá như nuôi tự do nhưng bù lại, người nông dân chăn nuôi ổn định và có thể tính được số thu nhập của gia đình”.
Hiện tại, anh Bình đang nuôi lứa heo 1.400 con cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP. Với giá công ty trả 3.000 đồng/kg heo hơi, con heo càng to, anh Bình càng có thu nhập tốt. Anh Bình cho biết, nếu chăm sóc tốt, trung bình một con heo đạt trọng lượng 115 kg, với thời gian 5 tháng/lứa, nông dân có thể thu nhập hàng tỷ đồng/năm với rủi ro rất thấp. Như gia đình anh, từ năm 2008 tới nay, năm nào anh cũng nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP từ 2.000 tới 2.500 con heo, bình quân 2.500 tấn heo hơi, thu nhập đủ để nuôi con cái học hành trong nước và du học, mua đất đai, nhà cửa. Đó là chưa kể lượng phân heo được thu và bán cho các nông hộ trồng trọt với giá 30 ngàn đồng/bao, mang lại nguồn thu đáng kể cho trang trại.
Tuy nhiên, chị Trần Thị Nga, vợ anh Bình cũng cho biết, khi tham gia nuôi heo gia công cho các công ty chăn nuôi như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP hay Công ty Hòa Phát, người nông dân phải đảm bảo nhiều yêu cầu chặt chẽ của doanh nghiệp. Nông dân phải xây dựng chuồng trại đúng chuẩn, đúng hướng gió, thoáng mát. Quy trình chăm sóc đảm bảo một chiều ra – vào, khử trùng và giám sát bệnh dịch chặt chẽ. Công ty có cán bộ kỹ thuật xuống tư vấn và giám sát thường xuyên, heo khi cân được kiểm tra máu để đảm bảo chất lượng chuẩn, không được sử dụng cám hoặc thuốc không do công ty cung cấp. Heo phải được chăm sóc trong điều kiện tốt, thông thoáng, không có côn trùng chích…, lớn nhanh và khỏe. Chị Nga cho biết: “Nhiều hộ chăn nuôi cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP nhưng không đảm bảo yêu cầu của công ty là bị hủy hợp đồng. Khi hợp tác với doanh nghiệp, nông dân phải thực hiện quy định của doanh nghiệp hết sức nghiêm túc, giữ chữ tín mới hợp tác lâu dài”. Như nhà anh chị, khi làm chuồng heo, đồng thời, anh chị xây dựng hệ thống thu gom nước thải, xử lý bằng hầm bioga, vừa tận dụng chất thải chuyển thành năng lượng sạch, vừa triệt mùi hôi, không để ảnh hưởng tới bà con xung quanh. Hàng tháng, trang trại sử dụng hàng tạ men vi sinh để đảm bảo môi trường sạch, giữ sức khỏe cho đàn heo và môi trường xung quanh.
Anh Ha My, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Đờn đánh giá, gia đình anh Nguyễn Văn Bình là nông hộ sản xuất giỏi của xã và của huyện Lâm Hà. Không chỉ thu nhập tốt từ chăn nuôi heo gia công, gia đình anh còn tham gia nhiệt tình vào các phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào khuyến học khuyến tài, hỗ trợ bà con xung quanh trong những dịp lễ hội. Anh chị là điển hình của nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, vừa làm giàu cho bản thân, đồng thời, đóng góp chung cho sự phát triển của nông thôn.