Tính đến thời điểm 27/4, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,28 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay tại khu vực Đông Nam bộ chiếm gần 35% tổng dư nợ của hệ thống TCTD trên toàn quốc.
Thông tin tại Hội nghị ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ, tổ chức ngày 11/5, tại TP.HCM, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến thời điểm 27/4, tổng huy động vốn của các TCTD đạt khoảng 12,4 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022 và tăng 9,92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tại khu vực Đông Nam bộ, tính đến hết quý I/2023, tổng huy động vốn của hệ thống TCTD đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc; tổng dư nợ tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022.
Về cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế, Phó Thống đốc cho biết, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 900.000 tỷ đồng (chiếm 7,4%), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 3,2 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 8,2 triệu tỷ (chiếm 66,6%). Tại khu vực Đông Nam bộ, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 135.000 tỷ đồng (chiếm 3,2% dư nợ tín dụng vùng), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 2,96 triệu tỷ (chiếm 70,8%).
Theo Phó Thống đốc, từ đầu năm đến nay, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường bất động sản như chỉ đạo các TCTD tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng tại 4 NHTM có vốn Nhà nước đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.
Đến 31/3/2023, dư nợ tín dụng bất động đạt khoảng 2,67 triệu tỷ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ bất động sản khu vực Đông Nam bộ gần 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,12% tổng dư nợ tín dụng bất động sản cả nước.
Các tháng vừa qua, hệ thống ngân hàng cũng tập trung vốn cho các dự án hạ tầng giao thông để tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2023 tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông toàn quốc là 92.015 tỷ đồng.
Trong đó, các TCTD cấp tín dụng đối với 20 dự án BOT, BT giao thông tại vùng Đông Nam bộ với tổng hạn mức cấp tín dụng là gần 19.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là trên 7.000 tỷ đồng.
Khẳng định vai trò hỗ trợ tích cực của ngành Ngân hàng đối với việc tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp và người dân TP.HCM nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ cảm ơn NHNN và hệ thống NHTM đã sát cánh giải quyết những khó khăn của nền kinh tế khu vực trong thời gian vừa qua.
Để tiếp tục hỗ trợ tốt hơn cho việc phục hồi nền kinh tế TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, ông Mãi kiến nghị NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và điều hành lãi suất theo hướng tạo điều kiện tối đa để giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay.
Về vốn tín dụng, ông Mãi kiến nghị hệ thống NHTM đẩy mạnh cho vay vốn lưu động để hỗ trợ thanh toán ngắn hạn đồng thời kéo dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao tỷ trọng cho vay tín chấp để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các khoản vay mới dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục đa dạng hóa tín dụng tiêu dùng. Trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ công nhân, sinh viên, người yếu thế trong việc tiếp cận vốn vay từ các TCTD chính thống, hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen.
Riêng đối với TP.HCM, ông Mãi đề nghị NHNN và hệ thống ngân hàng tiếp tục giúp đỡ để phát triển trung tâm tài chính hiện hữu và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế trong các năm tới.