Để bay cao và bay xa, ngành Du lịch Quảng Ninh đang nỗ lực tận dụng mọi vận hội, không ngừng đổi mới và phát triển, vươn lên trở thành trung tâm du lịch quốc gia, kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới.
Khai thác tối đa lợi thế
Quảng Ninh được đánh giá là một địa phương có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và đặc sắc, có nhiều tiềm năng khác biệt khi sở hữu trên 500 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Đây được coi là ưu thế vượt trội để phát triển du lịch văn hóa – tâm linh. Đặc biệt, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và quần thể di tích danh thắng Yên Tử được coi là điểm nhấn tạo nên thương hiệu của du lịch Quảng Ninh.
Bên cạnh 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là: Hạ Long – Uông Bí, Đông Triều – Quảng Yên, Vân Đồn – Cô Tô, Móng Cái, không gian du lịch mới đang được mở ở các địa bàn tiềm năng: Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, khu vực Hạ Long mới (Hoành Bồ cũ). Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, như: Vingroup, Sun Group, BIM Group, Tuần Châu… Nhờ vậy cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tỉnh đã tìm tòi, thực thi nhiều chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện với quan điểm: Phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Phát triển dựa vào các nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản và lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Cùng với đó khai thác bền vững lợi thế các tài nguyên du lịch; phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường, gắn với kinh tế biển.
Quý I/2023, Quảng Ninh đón 4,85 triệu lượt du khách, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế 283.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch trên 8.500 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2022. |
Tranh thủ “cơ hội vàng”, tỉnh đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, tạo điểm đến thân thiện; chú trọng quảng bá và tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đặc trưng, phù hợp với nhu cầu của thị trường khách du lịch mà tỉnh đang hướng tới.
Tỉnh đã đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác, nhằm tạo sự phong phú, đa dạng sản phẩm, hấp dẫn du khách. Theo đó, các nhóm sản phẩm du lịch mới được đề xuất thuộc 5 địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà.
Sự quay trở lại của các hãng tàu biển đã mang đến những dấu hiệu khởi sắc cho du lịch Quảng Ninh. Sở hữu hạ tầng giao thông thuận lợi cùng các sản phẩm du lịch độc đáo, Hạ Long là một trong những điểm đến được nhiều hãng tàu biển lựa chọn đưa vào hải trình tại Việt Nam. Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Điều hành Sun Group vùng Đông Bắc, cho biết: Để chào đón khách tàu biển quốc tế, Cảng đã bố trí thêm các bãi đỗ xe ngay tại cầu cảng, hệ thống xe điện di chuyển cự li gần, có thể đón tiếp khách ngay khi rời tàu, hành trình đến các điểm du lịch. Đơn vị cũng chủ động kết nối và làm việc với các hãng tàu biển lớn để giới thiệu, quảng bá, đưa Hạ Long là điểm đến trong hải trình tại Việt Nam. Đồng thời hợp tác cùng các đơn vị lữ hành tạo nên tour du lịch ngắn ngày, đa trải nghiệm, mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho du khách.
Ngày 15/3/2023 phía Trung Quốc chính thức mở cửa đón khách du lịch trở lại, dự báo tạo sức bật mạnh mẽ thời gian tới. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã chủ động xây dựng các phương án đón khách phù hợp; xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời chủ động phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, như: Du lịch biên giới, du lịch mua sắm, du lịch biển đảo, hướng tới sản phẩm có thương hiệu, chất lượng…
Để khẳng định vị thế
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh được định hướng phát triển thành trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, giá trị gia tăng lớn; là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, đón khách quanh năm, phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 25 triệu lượt du khách (khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế).
Du lịch Quảng Ninh đang đứng trước các cơ hội mới, đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và mạng xã hội đã và đang làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch, tác động trực tiếp đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống, phương thức thanh toán, hình thành các xu hướng du lịch mới, như du lịch thông minh, du lịch sáng tạo. Bên cạnh đó, xu hướng du khách quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần, hướng tới những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị tự nhiên, giá trị sáng tạo và công nghệ cao; xu hướng du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, cùng với du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương ngày càng phổ biến…
Trong bối cảnh đó, tỉnh kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương: Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch. Trước mắt, năm 2023 du lịch được xác định là một trong những động lực tăng trưởng chính của tỉnh. Ngành Du lịch phấn đấu thu hút khoảng 15 triệu lượt du khách (khách quốc tế đạt 2 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 32.400 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng gợi hướng: Quảng Ninh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng đẩy mạnh kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch đa dạng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch.
Tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại, có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chuyên nghiệp, chất lượng cao. Trọng tâm là thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên con người, văn hóa Quảng Ninh, Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các vùng biển đảo của tỉnh; khai thác tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động, tăng mức chi tiêu và doanh thu du lịch.
Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu, phục hồi mạnh mẽ hoạt động du lịch nội tỉnh, nội địa; nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của các địa phương, doanh nghiệp với phương châm “Du lịch nội tỉnh, nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững”; tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế, thích ứng an toàn, phát triển nhanh, đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.