Gần 20 năm qua, ông K’ Văn Vịu – Chủ tịch Hội CCB xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) là người có uy tín trong hội viên CCB nói riêng và đồng bào K’ ho nói chung. Nhiều năm liền, ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, ông đã giúp đồng bào xóa bỏ phương thức canh tác lạc hậu, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả, góp phần tích cực cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Đó là lời nhận xét của ông K’ Văn Thảo – Bí thư Đảng ủy xã Đông Tiến (huyện Hàm Thuận Bắc) đối với ông K’ Văn Vịu – Chủ tịch Hội CCB xã.
Những ngày đầu tháng 5/2023, mùa khô nắng gắt đã vào cao điểm. Quang cảnh núi rừng xã vùng cao Đông Tiến trở nên khô khốc, cây rừng trơ nhánh, nhưng dọc 2 bên triền sông Do là những mảng màu xanh của hoa màu cây trái được đồng bào K’ ho thâm canh phát triển tốt đã phần nào làm dịu đi không khí oi bức của hè. Trong đó, có vườn thanh long 500 trụ của Chủ tịch Hội CCB xã K’ Văn Vịu đang đơm hoa, kết trái, hứa hẹn mùa vụ bội thu. Ông Vịu chia sẻ: Lúc bấy giờ, tôi là người đầu tiên ở xã đưa thanh long về trồng. Năm đầu trồng 200 trụ thấy thanh long phát triển tốt, cho thu nhập khá, từ đó gia đình tôi nâng diện tích thanh long lên 800 trụ vào các năm sau đó. Đồng thời vận động thêm nhiều hội viên tham gia trồng thanh long ở những chân đất thuận lợi nguồn nước tưới có nguồn điện chong đèn trái vụ.
Thanh long là cây chịu hạn nhưng cũng cần có nguồn nước tưới chủ động, phát huy lợi thế nguồn nước sông Do chảy quanh năm được thiên nhiên ban tặng, năm 2010 ông Vịu đã mạnh dạn đưa thanh long về trồng trên chân đất triền sông Do. Chính tinh thần dám nghĩ dám làm đó của ông đã tạo bước đột phá quan trọng trong công tác chuyển đổi cây trồng phù hợp tại địa phương và góp phần làm thay đổi nhận thức, phương thức canh tác truyền thống, lạc hậu của đồng bào K’ho nói chung và hội viên CCB nói riêng. Không dừng lại ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây ông Vịu chuyển sang lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, như mở cửa hàng cung cấp vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua nông sản của đồng bào khi thu hoạch. Ông Vịu cho biết thêm: Ở Đông Tiến đã có cửa hàng của Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận phục vụ đầu tư ứng trước vật tư giống, phân bón cho đồng bào nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều hộ vẫn còn làm ăn với tư thương. Do đó, tình trạng bị tư thương thu mua nông sản ép giá, bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng vẫn thường xảy ra đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Từ nhận thức đó, tôi quyết định thực hiện lĩnh vực này. Ngoài mục đích tăng thu nhập nhưng cũng tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ hội viên CCB và đồng bào phát huy hiệu quả sản xuất, vươn lên làm giàu từ chính cây trồng lợi thế tại địa phương.
Ông K’Văn Dụ – hội viên CCB xã cho biết: Từ khi có cửa hàng cung cấp vật tư nông nghiệp của ông Vịu, đồng bào rất phấn khởi, yên tâm đầu tư sản xuất hoa màu. Ngoài giỏi làm ăn, phát triển kinh tế hộ, ông Vịu còn là cán bộ Chủ tịch Hội CCB xã trách nhiệm, nhiệt tình, hết lòng giúp đỡ hội viên. Hàng năm, ông luôn tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, con nuôi, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận vốn vay từ các chương trình tín dụng của NHCSXH huyện, với tổng dư nợ hơn 1,4 tỷ đồng. Từ đó hội viên CCB trong xã phấn khởi, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2022, Hội CCB xã Đông Tiến không còn hộ nghèo. Nhờ những việc làm thiết thực đó, ông Vịu đã tập hợp 100% CCB vào tổ chức hội; thường xuyên tham gia sinh hoạt, học tập nắm bắt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và làm nòng cốt thực hiện.
Gần 20 năm làm Chủ tịch Hội CCB xã, ông Vịu đã phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu trên mọi lĩnh vực. Là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao Hàm Thuận Bắc.