Hàn Quốc có khoảng 8.000 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Tăng cường xúc tiến thương mại là hoạt động trọng tâm của Việt Nam và Hàn Quốc để góp phần đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Hàn Quốc đạt 100 tỷ USD vào năm 2023.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại,Bộ Công Thương thông tin, ngoài mục tiêu đạt 100 tỷ USD tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2023, Việt Nam sẽ còn xây dựng những mục tiêu cao hơn, đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư sẽ thu hút nhiều dự án lớn có hàm lượng giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao của nhà đầu tư Hàn Quốc, hình thành chuỗi giá trị sản xuất phân phối mang tính toàn cầu tại Việt Nam.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ, tỉnh rất coi trọng công tác thu hút đầu tư nguồn vốn từ Hàn Quốc. Tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư Hàn Quốc (Korea desk), tổ công tác hỗ trợ Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái; tổ công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông qua trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo.
Nhằm thúc đẩy giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, thời gian qua, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA Hanoi) đã tăng cường tổ chức các sự kiện giao thương trực tiếp, trực tuyến. Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng văn phòng KOTRA Hanoi cho hay, năm 2023, KOTRA Hanoi sẽ thực hiện 70-80 sự kiện giao thương trực tiếp/trực tuyến nhằm kết nối hơn 1.000 doanh nghiệp Hàn Quốc với hơn 1.500 doanh nghiệp mua hàng Việt Nam. Vừa qua, vào cuối tháng 2-2023, KOTRA Hanoi tổ chức thành công sự kiện giao thương trực tiếp (1:1) giữa đoàn doanh nghiệp đến từ TP Incheon và tỉnh Chungbuk (Hàn Quốc) với doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các cuộc giao thương trong năm 2023.
Tại sự kiện trên, 20 nhà sản xuất/cung cấp Hàn Quốc uy tín đã giới thiệu các sản phẩm phong phú và đa dạng, từ hàng tiêu dùng thiết yếu hằng ngày đến hàng công nghiệp. Với các sản phẩm thế mạnh là mỹ phẩm, thực phẩm-thực phẩm chức năng, đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc lần này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều nhà nhập khẩu Việt Nam mong muốn tìm hiểu để đáp ứng nhu cầu tăng cường chăm sóc sức khỏe của người dân giai đoạn sau dịch Covid-19. Ông Eun Sung Kang, Giám đốc Công ty Flexplay Korea chia sẻ, đây là lần thứ 4 doanh nghiệp trực tiếp đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đồng thời, đánh giá các sản phẩm sữa bột từ hạt nguyên cám và ngũ cốc của Công ty Flexplay Korea sẽ rất tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Còn về phía doanh nghiệp Việt Nam, thông qua các buổi giao thương cũng đã tìm được những nhà cung cấp Hàn Quốc phù hợp. Ông An Mạnh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tùng Minh đánh giá cao kết quả từ các buổi giao thương khi doanh nghiệp đã gặp được một số nhà cung cấp Hàn Quốc tiềm năng tại đây.
Việt Nam có lợi thế xuất khẩu các loại hàng hóa như nông, thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa vụ vào thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng… Trong khi đó, Việt Nam nhập chủ yếu các sản phẩm điện tử, công nghiệp và nguyên liệu từ Hàn Quốc.
Bài và ảnh: KHÁNH AN