Không xây lăng mộ
Lý Nhân Tông không có con trai, dù đã có tuổi. Vì thế, vua viết chiếu ban ra trong hoàng tộc, nói rằng: “Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các công hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm thái tử”. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu và bèn lập làm hoàng thái tử. Tháng 12, năm Đinh Mùi (tức 15/1/1128), vua Lý Nhân Tông mất ở điện Vĩnh Quang. Hoàng thái tử Dương Hoán lên ngôi trước linh cữu.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi trước đó, biết mình không khỏe, vua đã gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận chiếu rằng: “Trẫm nghe phàm giống sinh vật không giống nào là không chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ của vật đều thế. Thế mà người đời không ai không thích sống mà lại ghét chết. Chôn cất cho hậu để mất sinh nghiệp, trọng để tang đến tổn hại tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi, lại để cho nhân dân mình mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, tuyệt cúng tế, làm cho lỗi ta nặng thêm, thì thiên hạ bảo ta là người thế nào? Việc tang thì sau 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc, việc chôn thì nên theo Hán Văn đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên chôn ngay cạnh Tiên đế”.