Cá nhân, doanh nghiệp đều không vay được
Lãi cao, khó vay vẫn là câu chuyện phổ biến của rất nhiều cá nhân hay doanh nghiệp (DN) hiện nay, không loại trừ lĩnh vực nào.
Anh Minh Kiên (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết làm hồ sơ vay vốn tại ngân hàng (NH) Lienviet Postbank từ hồi cuối năm 2022 nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa xong và anh không được giải ngân. Dù NH định giá khá thấp và chỉ cho vay bằng 50% giá trị trong định giá, với số tiền vay hơn 2 tỉ đồng nhưng hồ sơ làm mãi vẫn không vay được. Đến đầu tháng 4 khi anh liên hệ với nhân viên tín dụng của một NH khác thì được báo rằng làm hồ sơ nhanh để phê duyệt vì sắp hết room nhưng lãi suất (LS) cho vay lên đến gần 15%/năm.
“NH vẫn nói cho vay, nhưng điều kiện khó khăn hơn rất nhiều. Nếu trước đây cho vay để trả cho chính miếng đất đó thì nay không. Ngoài ra, điều kiện cho vay khắt khe hơn và số tiền được vay cũng ít hơn trong khi LS cho vay quá cao. Tuy nhiên, dù chấp nhận và vượt qua được các điều kiện trên thì việc giải ngân cũng không hề dễ dàng. Như trường hợp của tôi đã mấy tháng rồi vẫn chưa xong và gần như không được vay khi NH thông báo hết room”, anh Minh Kiên nói.
Theo lãnh đạo một công ty chuyên sản xuất cửa nhôm tại TP.HCM, từ cuối tháng 3, ông được nhân viên tín dụng chia sẻ rằng NH Lienviet Postbank đã có thông báo hệ thống dừng cho vay mới. Các đơn vị kinh doanh thực hiện giải ngân, phát hành bảo lãnh, mở L/C và cam kết thanh toán… tối đa chỉ bằng số tiền đã thu nợ gốc và không được vượt quá tổng mức dư nợ cấp tín quy đổi cuối cùng ngày 24.3.2023 của đơn vị kinh doanh (không bao gồm dư nợ thấu chi, thẻ, cầm cố online, lãi nhập gốc). Các NH khác mà công ty đang làm việc bấy lâu nay giờ chỉ nhận tài sản đảm bảo ở TP.HCM và Bình Dương, không nhận tài sản ở các tỉnh khác nên DN hoàn toàn không thể vay được vốn.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói thẳng số lượng hội viên được vay mới từ đầu năm đến nay rất hạn chế dù cũng thuộc lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên.
“Theo giải thích của NH, các chủ trại đang thua lỗ thì không được vay mới. Tuy nhiên có hợp tác xã chăn nuôi heo thịt dù có tài sản thế chấp, hoạt động có lãi với đầy đủ báo cáo tài chính, giấy tờ chứng minh nhưng nộp hồ sơ vài tháng qua vẫn chưa được phê duyệt mà cứ bảo chờ. Thiếu tiền để duy trì hoạt động, giữ chuồng trại nên họ đi vay nóng bên ngoài để mua thức ăn cho heo, gà hoặc thậm chí để đáo hạn cho NH hòng tránh bị chuyển nhóm nợ xấu, bị xử lý trang trại…”, ông Công bức xúc.
Trước đó, hiệp hội này đã gửi công văn cầu cứu tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vì “gần như không thể tiếp cận NH, nhiều lúc nhìn đàn vật nuôi đói phải vay mượn nóng mua cám, khó khăn càng chồng chất”. Trong công văn trả lời mới đây, NHNN nói đã có 60 khách hàng được vay hỗ trợ LS. Phản hồi vấn đề này, ông Công nói: “Hiệp hội của chúng tôi có khoảng hơn 1.000 thành viên nhưng theo giải đáp của NHNN, đến cuối tháng 2.2022 mới có 60 thành viên được hưởng chính sách hỗ trợ LS thì quá ít – như muối bỏ biển”.
Quan trọng hơn, theo ông Công, hiệp hội cũng đang rà soát lại 60 người này là những ai, có đúng đối tượng được hưởng LS ưu đãi theo quy định không…
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bến Tre, thông tin một số DN trong hiệp hội phải vay với LS 11 – 13%/năm. Nhưng thê thảm hơn là một số công ty không tiếp cận được nguồn vốn vay NH nên phải vay bên ngoài để xoay xở với LS lên đến 17 – 20%/năm.
Tương tự, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, chua chát rằng nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên nhưng tiếp cận tín dụng không dễ. NH tại TP.HCM không nhận tài sản thế chấp đất nông nghiệp ngoài tỉnh thành như trước đây. Công ty của ông chỉ vay được khoảng 10 tỉ đồng với LS 10,5%/năm trong khi nhu cầu vốn cao hơn rất nhiều. Do đó các cá nhân trong công ty phải đứng ra vay NH với LS từ 13 – 14%/năm khiến chi phí tài chính của DN càng tăng cao.
“Dòng tiền như mạch máu, máu không chảy là chết”
Tình trạng DN khó vay thời gian qua vẫn được các nhà băng giải thích do nhiều lý do khác nhau, từ không đáp ứng được điều kiện theo quy định đến việc DN không cần vay nhiều. Nhưng trên thực tế ngoài các điều kiện đang bị siết lại thì hiện nhiều nhà băng đã gần hết room tín dụng – tương tự như trong nửa cuối năm 2022 vừa qua. Cụ thể, trong một số NH mà người viết khảo sát muốn vay vốn cuối tuần qua, nhân viên tư vấn tín dụng thừa nhận room tín dụng đang được kiểm soát trở lại và sắp hết.
Tại một chi nhánh MSB, nhân viên tín dụng tên T. sau khi tư vấn hồ sơ vay vốn đã khuyên nên làm thủ tục sớm để tránh chuyện hết hạn mức tín dụng như hồi năm 2022 có thể quay trở lại. Tương tự, nhân viên tín dụng TPBank tên D. cũng cho biết NH bắt đầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng trở lại khi tốc độ tăng trong quý 1/2023 khá cao. Sẽ tùy thuộc vào thời điểm hồ sơ được xét duyệt nhưng nếu room tín dụng cạn kiệt thì cũng khó giải ngân.
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao các thông tin cho rằng NH không cho vay được mà tín dụng lại gần hết hạn mức, D. giải thích: “Ngoài cho vay, một phần hạn mức tín dụng hiện nay để xử lý trái phiếu theo quy định”.
Đa số những DN được NH cam kết mua lại trái phiếu hay cấp hạn mức tín dụng lớn là sân sau của NH nên tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm mới có thể tăng nhanh như vậy. Hơn nữa, trong quý 2/2023, một khối lượng lớn trái phiếu DN đến thời điểm đáo hạn nên có thể các NH cũng phải để dành hạn mức tín dụng để xử lý lượng trái phiếu này.
TS Nguyễn Hữu Huân
Cuối tháng 2 vừa qua, sau khi công bố định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 từ 14 – 15%, NHNN cũng đã chính thức phân bổ hạn mức tín dụng cho từng NH. Khi đó, báo cáo ngành NH của Công ty chứng khoán VNDirect có liệt kê một loạt NH thương mại được cấp room cụ thể như HDBank là 11%, ACB 9,8%, Vietcombank 9,6%, TPBank 9,1%, VPBank và MBBank cùng được cấp ở mức 9%, BIDV là 8,3%, MSB được cấp room tín dụng cao nhất ở lần xét đầu này, tới 13,5%… Thực tế chỉ trong 3 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của một số NH đã tăng nhanh như MSB tăng 13%, Techcombank tăng gần 10,7%, HDBank tăng 9%, 3 NH là TPBank, Nam A Bank và VietABank tăng 7%… Như vậy một số NH cũng đã gần chạm trần room tín dụng được phân bổ trong đợt đầu năm nay.
Nhưng nguồn vốn này có bơm ra nền kinh tế hay không lại vẫn là một dấu hỏi, bởi thực tế các DN rất khó tiếp cận vốn. Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lý giải một số NH vừa qua kinh doanh trái phiếu DN khá nhiều, trong đó có cam kết mua lại nên giờ phải chừa lại hạn mức tín dụng để thực hiện. Với tăng trưởng tín dụng của một số NH hiện nay ở mức cao cộng thêm vấn đề xử lý trái phiếu DN thì khả năng một số NH sẽ rơi vào tình trạng hết room tín dụng như năm 2022.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9.5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định các DN đang quá khó khăn. Ngoài việc do tâm lý thị trường, niềm tin xã hội và né tránh, sợ trách nhiệm cán bộ các cấp thì chính sách tiền tệ chặt quá nên nhiều DN khó tiếp cận vốn. Tăng trưởng tín dụng thời gian qua quá thấp so với thông thường. Bộ trưởng cho rằng cần nới room tín dụng cho nền kinh tế vì “dòng tiền như mạch máu, máu mà không chảy, ngưng lại là chết”.