Xây dựng thành công thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp nông dân thoát khỏi vấn nạn trồng rồi chặt bỏ, có thu nhập cao hơn, ổn định hơn.
Vài năm qua, ngành nông nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu “Vietnam rice” nhưng vẫn chưa xuất được sản phẩm gạo nào dưới thương hiệu này. Chuyện xây dựng thương hiệu nông sản Việt đến nay vẫn chỉ vậy…
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu nông sản mang về 47 tỷ USD trong năm 2022, chiếm 12,9% – tỷ trọng khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Theo ông Chinh, chương trình xây dựng thương hiệu được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện từ năm 2019, theo đó phải phát triển thương hiệu thực phẩm đối với 9 mặt hàng là chè, cà phê, tiêu, hạt điều, rau quả, ngũ cốc, thủy sản, rau quả tươi, mật ong. Tuy nhiên, không thể ồ ạt làm thương hiệu cho tất cả những mặt hàng này, mà cần có chọn lựa, tính toán cho phù hợp. Bản thân mặt hàng gạo cũng rất khó làm thương hiệu, vì Việt Nam có tới 100 giống lúa, cần chọn lựa kỹ càng.
Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết |
Theo thống kê, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,78 triệu tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Tuy đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này, nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong top 10 thương hiệu cà phê trên thế giới. Cũng như vậy, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu, đứng thứ 7 về sản xuất chè. Tuy nhiên, khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu; việc xuất khẩu chè dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế.
Hiện nay, nhiều quốc gia có thương hiệu nông sản riêng như cá hồi Na Uy, bò Kobe Nhật, táo Mỹ, kiwi New Zealand… Trong các quốc gia châu Á, Việt Nam cũng nổi tiếng về sầu riêng, nhưng sầu riêng Malaysia có thương hiệu nên bán được giá rất cao, trong khi sầu riêng Việt Nam chất lượng tương đương thì có giá rẻ hơn. Giống sầu riêng Musang King (Malaysia) trồng tại Việt Nam đang được bán từ 500.000 – 800.000 đồng/kg; trong khi sầu riêng Ri6 của Việt Nam, chất lượng không hề thua kém nhưng giá cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/kg…
Ở thời điểm hiện tại, vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi nhờ đó, chúng ta mới có thể mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU… thông qua các Hiệp định thương mại đa phương, song phương đã ký kết và có hiệu lực. Xây dựng thành công thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp nông dân thoát khỏi vấn nạn trồng rồi chặt bỏ, có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và “buôn chuyến” như hiện nay.
Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm, cung cấp rất nhiều nông sản, thủy sản cho thế giới, nhưng chưa có sản phẩm đặc trưng. Vì vậy, phải chọn lựa được sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá trên thế giới. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng, và phải có chiến lược marketing mang tầm quốc gia…
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thương hiệu nông sản Việt là khát vọng, mong muốn và cũng là nỗi buồn của những người làm nông nghiệp hiện nay. Trước khi muốn vươn mình ra thế giới, phải xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt ngay tại thị trường trong nước. Trách nhiệm này không của riêng ai; các doanh nhân, doanh nghiệp phải có tinh thần tiên phong, dẫn dắt dưới sự đồng hành, hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Văn Hữu Huệ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho rằng, để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp thiết lập các vùng chuyên ngành sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao; Thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản…
“Để xây dựng được thương hiệu, trước tiên mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được. Như vậy, cần có tích tụ đất đai và liên kết các nông hộ. Bên cạnh đó, việc liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để đảm bảo sản lượng, chất lượng xây dựng thương hiệu. Song song với đó, cần tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cũng góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.