Phát triển ngành dệt may và da giày trở thành một trong những ngành công nghiệp cơ bản của Bình Thuận trên cơ sở phù hợp với Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035…
Đó là mục tiêu hướng đến của Kế hoạch Triển khai Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn Bình Thuận vừa được UBND tỉnh ban hành. Trong đó tập trung phát triển mạnh các sản phẩm có chất lượng, ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày. Đồng thời đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Thời gian tới, ngành dệt may và da giày của địa phương cũng được phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa và cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may và da giày Việt Nam… Cụ thể với ngành dệt may thì ưu tiên phát triển sản xuất các loại xơ sợi tổng hợp, xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường và vải cao cấp phục vụ xuất khẩu đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm dần nhập khẩu. Ngoài ra còn thu hút các dự án mới trong ngành dệt có suất đầu tư lớn, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế (trừ các sản phẩm mà quá trình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt nhuộm).
Theo định hướng phát triển, tới đây ngành dệt may sẽ được tập trung đầu tư đổi mới trang thiết bị, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển khâu thiết kế tạo mẫu, xây dựng thương hiệu, giảm tỷ lệ sản xuất gia công trong toàn ngành. Tiếp đó còn đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường khai thác thị trường trong nước ở dòng sản phẩm trung lẫn cao cấp, mặt khác cũng ưu tiên thu hút đầu tư các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (phụ liệu) ngành may phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu…
Trong khi với ngành da giày sẽ tập trung khai thác hiệu quả năng lực sản xuất hiện có, tiếp tục đầu tư phát triển theo nhu cầu thị trường đối với sản phẩm xuất khẩu (như giày thể thao, giày da, cặp, vali túi xách cao cấp các loại), khuyến khích phát triển các thương hiệu giày dép, túi, cặp của địa phương để khai thác thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Quan tâm thu hút đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành da giày, trừ các sản phẩm mà quá trình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như da thuộc, vải giả da, hóa chất thuộc da… Bên cạnh đó cũng ưu tiên thu hút dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung vào khu – cụm công nghiệp phía Nam Bình Thuận nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu, phụ kiện cho các tỉnh lân cận.
Để triển khai đem lại hiệu quả, kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp cụ thể về phát triển thị trường, thu hút đầu tư và phát triển chuỗi giá trị trong nước. Hay như giải pháp về phát triển nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học – công nghệ và giải pháp về cơ chế chính sách. Cùng tham gia thực hiện có các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh, trong đó Sở Công Thương được giao chủ trì, đôn đốc triển khai nhiệm vụ theo phân công. Qua đó xúc tiến tham mưu UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo định kỳ tình hình thực hiện theo đề nghị của Bộ Công Thương hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan…