(CT) – Tại Hội nghị điều dưỡng – hộ sinh do Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ tổ chức sáng 12-5, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định, điều dưỡng không phải là trợ thủ của bác sĩ. Thế giới đã thay đổi cách nhìn nhận về chức năng của ngành điều dưỡng, từ chỗ điều dưỡng “giúp việc” cho bác sĩ trở thành người hoạt động với chức năng tương đối độc lập, cùng hợp tác với bác sĩ để điều trị, chăm sóc bệnh nhân đạt hiệu quả tốt nhất.
Ban tổ chức hội nghị chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu, báo cáo viên.
Theo GS Phạm Mạnh Hùng, thực tế, quan niệm cũ vẫn phổ biến, là rào cản đối với vị thế, vai trò và điều kiện hoạt động chuyên môn của đội ngũ điều dưỡng. Vì thế, bản thân điều dưỡng phải tích cực nỗ lực nâng cao năng lực; đồng thời, bác sĩ cần thay đổi quan điểm để thực hành mối quan hệ bình đẳng với các đồng nghiệp điều dưỡng trong môi trường, hoạt động khám chữa bệnh. Hiện nay, nước ta còn thiếu nhiều về số lượng điều dưỡng, chỉ mới đạt 1,1-1,3 điều dưỡng/1.000 dân. Trong khi Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đề ra mục tiêu đến năm 2025 cần đạt 2,5 điều dưỡng/1.000 dân.
BV Phụ sản TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị khoa học điều dưỡng – hộ sinh nhân kỷ niệm 22 năm ngày Hộ sinh Quốc tế (5/5/1991- 5/5/2023) và 58 năm ngày Quốc tế Ðiều Dưỡng (12/5/1965-12/5/2023). Phát biểu khai mạc, BS CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ ôn lại lịch sử ra đời ngành điều dưỡng, đồng thời, tôn vinh và tri ân đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh đã tích cực, tận tâm, thầm lặng góp sức vì sự phát triển của BV thời gian qua. Khởi nguồn ngày 12-5 là ngày sinh của bà Florence Nightingale được Hội đồng Quốc tế Ðiều dưỡng lấy làm ngày Quốc tế Ðiều dưỡng để tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà đối với việc hình thành và phát triển ngành. Tại Việt Nam, năm 1990, Bộ Y tế ra quyết định cho việc thành lập phòng Ðiều dưỡng tại các BV có 150 giường bệnh.
Hội nghị có 9 chuyên đề báo cáo của các điều dưỡng, hộ sinh đến từ các BV trong và ngoài thành phố.
Tin, ảnh: THU SƯƠNG