MAI QUYÊN
Sau chuyến đi 3 ngày của Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Úc Don Farrell đến Bắc Kinh trong tuần này, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tiết lộ Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương có kế hoạch thăm Canberra trong bối cảnh quan hệ song phương đang được cải thiện.
Bộ trưởng Thương mại Úc Farrell (phải) đang có mặt tại Bắc Kinh. Ảnh: AP
Năm 2018, quan hệ Úc và Trung Quốc rạn nứt sau khi Canberra cấm Tập đoàn công nghệ Huawei tham gia xây dựng mạng băng thông rộng 5G. Năm 2020, các trao đổi ngoại giao Úc – Trung Quốc bị đóng băng sau khi Bắc Kinh áp hạn chế lên hàng chục mặt hàng xuất khẩu của xứ chuột túi nhằm trả đũa việc nước này kêu gọi tiến hành điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Ðến tháng 5-2022, căng thẳng có dấu hiệu hạ nhiệt khi Công đảng Úc trở lại nắm quyền sau 13 năm. Quan hệ song phương dần được cải thiện, đánh dấu bằng cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Úc Anthony Albanese vào tháng 11 bên lề hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Indonesia; tiếp theo đó là chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Úc Penny Wong vào tháng 12 dự “Ðối thoại Chiến lược và Ðối ngoại năm 2022”. Ðây cũng là chuyến thăm đại lục đầu tiên của một bộ trưởng Úc kể từ năm 2019 và là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa các nhà ngoại giao hàng đầu hai nước tính từ năm 2018.
Trong tháng 7 tới, tờ SCMP dẫn nguồn tin thân cận với Chính phủ Trung Quốc và học giả người Úc James Laurenceson, cho biết chuyến công du của Ngoại trưởng Tần sẽ là “chuyến thăm đối ứng” sau chuyến đi của bà Wong nói trên. Nếu được xác nhận, diễn biến mới nhất trong một loạt các động thái chính trị – thương mại cấp cao giữa Bắc Kinh và Canberra có thể thúc đẩy hơn nữa nỗ lực chung nhằm hàn gắn mối quan hệ rạn nứt bởi những mâu thuẫn chính trị trong thập kỷ qua.
Năm ổn định quan hệ
Với vai trò đối tác thương mại lớn nhất của Úc, tổng giá trị trao đổi hai chiều giữa Trung Quốc với Canberra ước tính đạt 195 tỉ USD trong năm 2022. Gần đây, Bắc Kinh đã nối lại nhập khẩu than, bông và đồng từ Úc.
Trong tín hiệu đẩy mạnh hợp tác với Canberra, Ðại sứ Trung Quốc tại Úc Tiếu Thiên ngày 12-5 xác định đây là năm quan trọng để hai bên ổn định quan hệ vì sự phát triển song phương, đối phó các thách thức kinh tế toàn cầu. Tuyên bố được đưa ra cùng ngày Bộ trưởng Farrell chuẩn bị có cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Ðào tại Bắc Kinh. Trước đó, ông Farrell bày tỏ bản thân sẽ đại diện cho lợi ích của các nhà xuất khẩu và sản xuất Úc, cam kết thúc đẩy nỗ lực dỡ bỏ tất cả các rào cản thương mại và nối lại hoàn toàn hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc mà không bị cản trở.
Không sớm có đột phá
Nói với Hãng tin Reuters, chuyên gia Laurenceson đánh giá việc Ngoại trưởng Tần thăm Úc là “tin tức lớn”. Dù vậy, các nhà quan sát không đặt kỳ vọng cao về bất kỳ đột phá nào mà 2 bên sẽ đạt được. Hồi tháng rồi, Ngoại trưởng Wong cảnh báo quan hệ Úc – Trung Quốc khó có thể trở lại mức đầu những năm 2000, khi thương mại tách rời các ưu tiên chính trị và chiến lược.
Những năm gần đây, Úc đã chặn việc bán các tài sản, bao gồm những cơ sở hạ tầng quan trọng, cho các công ty Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Canberra cũng mở rộng hợp tác an ninh với Mỹ, đối thủ chính của Trung Quốc trong cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương. Gây chú ý nhất là Hiệp định Ðối tác tăng cường an ninh 3 bên (AUKUS), thiết lập quan hệ hợp tác giữa Úc, Mỹ và Anh về một số công nghệ quân sự bí mật, bao gồm hỗ trợ Canberra đóng hạm đội tàu ngầm hạt nhân để đáp trả tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Ðông, Hoa Ðông và Nam Thái Bình Dương.
Sắp tới, căng thẳng được dự báo tiếp diễn khi Thủ tướng Albanese theo kế hoạch tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Ấn Ðộ, Nhật Bản – những quốc gia có tranh chấp biên giới với Trung Quốc – trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ (QUAD) vào cuối tháng này.