Theo bài viết được chia sẻ, nhân sự này sinh năm 1993, đi làm được gần 6 năm trong ngành chuỗi cung cứng (do học muộn 1 năm và thêm 1,5 năm du học thạc sĩ), mức lương 100 triệu đồng/tháng, chưa tính khoản thưởng cuối năm và thưởng thành tích.
Người này chia sẻ trên diễn đàn FTU Confessions (diễn đàn của sinh viên, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương) như sau:
“Theo mọi người đánh giá thì đây có là thành tựu đáng để tự hào không ạ? Mình hỏi vậy vì nghe đồn các TikToker, Youtuber trẻ kiếm vài trăm triệu/tháng. Hay các bạn IT 4-5 năm kinh nghiệm có lương trung bình trên 5.000 USD/tháng, nhận job (công việc) ngoài có khi kiếm thêm được vài nghìn (USD). Hay nhiều bạn trẻ khởi nghiệp cũng có thu nhập lên tới vài trăm (triệu đồng).
Nhìn những case (trường hợp) này làm mình thấy thu nhập hiện tại của mình thật nhỏ bé, chưa kể mình đang làm về Supply Chain lại là ngành có nguy cơ bị thay thế cao bởi Tech (công nghệ) nên cứ thấy lo lo ạ”.
Bài viết trên đã lập tức kéo theo hàng ngàn bình luận với rất nhiều ý kiến, phản hồi.
Những bình luận đông đảo nhất phải kể đến nhóm các bạn trẻ có tâm trạng giống tác giả là họ sốc và hoang mang trước mức lương của người khác, nghe xong càng áp lực khi nhìn mức lương của mình. Nhiều người đọc bài viết xong, tuyên bố “rời nhóm chứ không sẽ áp lực đến chết”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng “bật” lại thông tin trong bài viết khi cho rằng người này đưa ra những so sánh không có cơ sở. “TikToker, Youtuber trẻ kiếm vài trăm triệu/tháng” hay “các bạn IT 4-5 năm kinh nghiệm có lương trung bình trên 5.000 USD/tháng, nhận việc ngoài có khi kiếm thêm được vài nghìn USD” chỉ dựa vào phỏng đoán, tin đồn.
“Mức thu nhập của TikToker, Youtuber hay IT mà bạn trẻ này đưa ra để so sánh có thể có nhưng không phổ biến. Như tôi là IT kinh nghiệm 5 – 6 năm, thu nhập chỉ trên 1.000 USD một chút, đây cũng là mức lương của nhiều người trong lĩnh vực này. Sao bạn không so sánh với tôi đây?”, anh Lê Như Khang, nhân viên IT làm việc tại một công ty phần mềm ở TPHCM bày tỏ.
Anh Khang cho rằng, cách đặt vấn đề, đưa các chủ thể ra để so sánh của bạn trẻ này ngay từ đầu đã… lệch.
Nhân viên IT này từ chối bình luận thông tin “30 tuổi lương 100 triệu đồng” vì cho rằng điều này không phải không có. Tuy nhiên, theo anh, một người có trình độ thạc sĩ, đang làm công việc có mức thu nhập cao gấp nhiều lần mức bình quân lại đặt ra thắc mắc không khác nào một sinh viên mới ra trường. Từ tâm thế “lương 100 triệu có phải là thành tựu đáng tự hào?”, rồi lại lo ngại bị thay thế.
Chị Nguyễn Thảo Thương, 38 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho hay, bài viết của nhân sự trẻ này giống trào lưu khoe lương nổ ra gần đây. Bất kể ở đâu, diễn đàn nào chúng ta cũng có thể bắt gặp những bài viết “tuổi tí teo, lương chót vót”.
Đi làm quan tâm đến thu nhập là điều hiển nhiên nhưng theo chị Thương, khi tất cả mọi thứ từ thành công, thành tựu, tự hào chỉ đánh giá qua thu nhập thì thành bất ổn. Điều này phần nào phản ánh, các giá trị của nhiều nhân sự hiện nay chỉ xoay quanh vật chất, tiền bạc, vô tình họ bỏ qua nhiều yếu tố quan trọng khác như đam mê, sở thích, giá trị nghề nghiệp, giá trị đối với cộng đồng…
Ngay ở câu hỏi “30 tuổi lương 100 triệu đồng/tháng có phải là thành tựu đáng tự hào không” của cựu sinh viên Ngoại thương trên, chị Thương đánh giá, thể hiện quan niệm, định nghĩa đáng lo ngại về cuộc sống của bạn này.
“Tôi thấy lo ngại cho quan niệm, định nghĩa về giá trị cuộc sống của bạn này. Và cũng thấy tiếc cho bạn, mức thu nhập có thể nói là ở nhóm tài năng nhưng trong quan niệm về thành tựu lại chỉ giới hạn trong chữ “tiền”, chị Thương phân tích.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng bày tỏ sự thông cảm về “khủng hoảng tuổi 30” là giai đoạn lung lay về niềm tin công việc, về thu nhập, vị trí của bản thân và càng trở nên bất an, hoang mang khi nghe thông tin về công việc, thu nhập của người khác, ngành nghề khác.
Bởi vậy, rất nhiều lời khuyên cho các bạn trẻ là cần tập trung vào chính bản thân, công việc của mình thay vì “ngó nghiêng” nhìn công việc, thu nhập của người khác. Tập trung vào mình là không ngừng rèn luyện, học hỏi, nỗ lực… cũng là cách tôn trọng bản thân.
Ngoài ra, anh Hoàng Mạnh Huy, nhân viên ngân hàng ở TPHCM cho rằng, nhân sự trẻ cần giữ cái đầu lạnh trước các thông tin “lương ngàn đô” thường xuyên được chia sẻ trên mạng xã hội hiện nay. Ở đó, nhiều người có xu hướng chia sẻ những thông tin không có thực, có khi họ đang kể về… ước mơ của họ chứ không hẳn là điều họ đang có. Cứ nhìn vào đó mà dằn vặt thì sẽ không bao giờ hết khổ đau.
Lương 100 triệu ở tuổi ở 30 có phải thành tựu đáng tự hào hay không, theo anh Huy, là một câu hỏi không có lời giải. Mỗi người có quan niệm về thành tựu, về sự tự hào và cũng không ai thể kiểm soát niềm tự hào của người khác. Có người xem lương từng đó là thành tựu vì giá trị của họ tập trung ở đây nhưng với nhiều người, từng đó không đủ để trang trải cuộc sống…