LTS: Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định (21-5-1963 – 21-5-2023) và 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2023), ngày 12-5, Tỉnh ủy Nam Định đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nam Định 60 năm thực hiện lời dạy của Bác”. Hội thảo đã thu hút, tập hợp 44 tham luận của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Báo Nam Định xin trích đăng nội dung một số tham luận trình bày tại Hội thảo.
GS. TS Phùng Hữu Phú
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương
… Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự, phát biểu chỉ đạo Đại hội lần thứ năm Đảng bộ tỉnh ngày 21-5-1963 thể hiện tập trung, đậm nét nhất tình cảm sâu nặng, sự chỉ dạy ân cần, sâu sắc, thiết thực của Người đối với Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà. Nghiên cứu kỹ, suy ngẫm từng câu chữ trong bài nói của Người trước Đại hội Đảng bộ, trước cán bộ, nhân dân cùng những bài nói của Người trong những lần về thăm tỉnh mới thấy được tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ siêu việt, phong cách tư duy, chỉ đạo mẫu mực vừa khoa học vừa sâu sát, tỉ mỉ của người lãnh đạo cao nhất của đất nước, nói và làm chỉ với một mục đích duy nhất là ích nước, lợi dân. Trong những bài nói ngắn gọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bao quát tất cả những công việc hệ trọng nhất về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng của tỉnh; vừa biểu dương thành tích vừa thân ái chỉ rõ khuyết điểm, thiếu sót; vừa đánh giá tình hình, vừa gợi mở hướng đi, cách thức giải quyết; bao quát nhưng không chung chung mà cụ thể đến từng việc trọng yếu phải làm; nêu những vấn đề ở tầm nhận thức tư tưởng nhưng lại tràn đầy tính thực tiễn hành động. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài nói của Người trước Đại hội Đảng bộ, trước cán bộ, nhân dân Nam Định là vai trò, trách nhiệm, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, tổ chức đảng, cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên. Những lời dạy, căn dặn của Người qua 60 năm vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề cốt lõi sau đây:
Một là, Về vai trò trách nhiệm lãnh đạo: Trước hết Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đảng bộ, các tổ chức đảng, các cấp ủy đảng phải nêu cao tinh thần phụ trách, phải luôn luôn tự hỏi “mình đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo của Đảng hay chưa?”; phải trực tiếp lãnh đạo mọi công việc; phải phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, chú trọng sản xuất, xây dựng hợp tác xã, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước…
Mấu chốt trong công tác lãnh đạo là phải quán triệt, vận dụng đúng, sáng tạo đường lối, chủ trương của Trung ương, xây dựng Nghị quyết Đại hội đúng đắn, phải “thực hiện đầy đủ Nghị quyết của Đại hội, biến Nghị quyết đó thành quyết tâm của đảng viên, đoàn viên, của đồng bào cả tỉnh”.
Hai là, Về tư duy và tầm nhìn: Nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ tỉnh là lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Nam Định giàu mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn lãnh đạo tỉnh phải nhận thức đầy đủ, phát huy hiệu quả tiềm năng dồi dào và những lợi thế của địa phương. Người gợi mở: “Nam Định là một tỉnh ruộng đất phì nhiêu, tài nguyên phong phú…, có nhiều khả năng trở thành một tỉnh thật giàu có”; “Đồng bào Nam Định rất chất phác, cần cù, lại có truyền thống anh dũng trong thời kỳ cách mạng, kháng chiến (…), cán bộ nói chung đều tận tụy”. Đảng bộ, trực tiếp và thường xuyên là Tỉnh ủy phải xây dựng và lãnh đạo thực hiện kế hoạch phát triển tỉnh toàn diện, bảo đảm sự đồng bộ giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; cân đối giữa nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại và cân đối trong từng lĩnh vực. Cần tiến hành đồng thời và gắn kết hiệu quả các mặt: 1) nâng cao tinh thần trách nhiệm, 2) tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, 3) chống tham ô, lãng phí, quan liêu, 4) đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Cần phát huy lợi thế của kinh tế biển, của vận tải đường sông; chú trọng thâm canh tăng năng suất để phát huy giá trị của đất đai, khắc phục tình trạng đất chật, người đông…
Ba là, Về phương thức lãnh đạo: Hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ tùy thuộc trực tiếp vào phương thức lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, các cấp ủy đảng phải chú trọng công tác tuyên truyền, giải thích, làm cho đường lối, chủ trương, quyết tâm của Đảng. Chính phủ, của lãnh đạo tỉnh trở thành nhận thức, thành quyết tâm, hành động của toàn thể đảng viên, đoàn viên và nhân dân. Trong công việc, Người chỉ dẫn, phải đi sâu, đi sát cơ sở, đi sát quần chúng, chỉ đạo cụ thể từ việc chống hạn, làm thủy lợi, phát triển chăn nuôi, mở mang ngành nghề, đến xây dựng, củng cố các hợp tác xã, tăng cường công tác quản lý, thực hành tiết kiệm… Cần thường xuyên sơ kết, tổng kết, phát hiện, nhân rộng điển hình, “chú ý lãnh đạo điển hình”; phải thường xuyên kiểm tra, ra sức phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nhất là bệnh quan liêu, hình thức. Muốn quần chúng nhân dân tin theo, “cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.
Bốn là, Về xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh: Nhân tố hàng đầu quyết định vai trò, sức mạnh lãnh đạo của Đảng bộ, theo chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là phải thường xuyên chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng. Phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ; phê bình, tự phê bình; đoàn kết, thống nhất. Người nhắc nhở, Tỉnh ủy và các cấp ủy phải ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện thiếu dân chủ, mất đoàn kết; phải thành khẩn, thẳng thắn tự phê bình, nghiêm chỉnh, chân thành phê bình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân để cùng nhau tiến bộ vì lợi ích chung của Đảng, của nhân dân. Người nhấn mạnh, phải chú trọng phát triển Đảng, củng cố chi bộ, chăm lo giáo dục, quản lý đảng viên. Trên thực tế, tỷ lệ đảng viên, đoàn viên, nhất là đảng viên, đoàn viên nữ, trên tổng số dân còn thấp, phải quan tâm bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, đoàn viên, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, kết nạp, đề bạt phụ nữ. Cần thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; quản lý, rèn luyện đảng viên chặt chẽ, kịp thời; kiên quyết ngăn ngừa, đẩy lùi những tệ nạn lãng phí, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mất tư cách, đạo đức cách mạng, ảnh hưởng xấu đến quần chúng. Đảng bộ, các tổ chức đảng, các cấp ủy đảng phải thật sự quan tâm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Người ân cần dặn dò, phải chăm lo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khỏe của công nhân; chăm lo việc đạo, việc đời cho đồng bào Công giáo; chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng cho học sinh… Cán bộ, đảng viên phải thật sự là người đầy tớ trung thành, tận tụy phụng sự nhân dân.
Sáu mươi năm tròn đã trôi qua. Ngày nay điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đã thay đổi; Đảng bộ Nam Định đã trưởng thành qua thực tiễn lãnh đạo; trình độ của cán bộ, đảng viên, nhân dân không ngừng được nâng cao tương ứng với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đảng bộ và nhân dân Nam Định đang nỗ lực, tích cực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh, với quyết tâm “Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh, bền vững”./.