Đến thời điểm này có thể khẳng định môn bóng đá nam, ba đội giàu thực lực nhất là VN, Thái Lan và Indonesia và bộ HCV sẽ là cuộc cạnh tranh của ba đội bóng này.
U-22 Thái Lan dù tạm xếp trên nhờ hiệu số bàn thắng bại nhưng vẫn chưa phải là đối thủ đáng sợ. Ảnh: APS
Trước lượt trận cuối vòng bảng, U-22 Thái Lan là đội tỏ ra có lối chơi trơn tru và già dặn nhất. U-22 VN thì vẫn đáng gờm nhưng chưa mượt mà, nhất là phải đá trên mặt sân Prince khá xấu. Ở bảng A thì Indonesia cho thấy sự vượt trội nhưng phải thừa nhận các đối thủ còn lại bảng A chưa phải là thuốc thử thực sự với Indonesia.
Từ ngày chuẩn bị cho SEA Games 32 đến nay, HLV Issara Sritaro của Thái Lan cứ hay nhắc đến VN và nhắc mục tiêu đòi lại ngôi vương từ VN. Ông Sritaro quả quyết U-22 Thái Lan sẽ chơi như đội tuyển quốc gia Thái Lan và đánh bại thầy trò HLV Troussier.
Cách phát biểu này HLV Elavarasan của Malaysia cũng từng rất mạnh miệng và thực tế đã trả lời.
Ở cấp đội tuyển, bóng đá Thái Lan cho thấy sự trên chân ở hai kỳ AFF Cup gần nhất nhưng với thành phần U-22 này dù Thái Lan đang được đánh giá cao hơn nhưng thực tế chưa chắc họ sẽ là đội “kèo trên” như bảng xếp hạng tạm thời bảng B.
U-22 VN càng đá càng tốt hơn dù ba trận thắng vừa qua đều không sướng mắt và để lại những nỗi lo nơi hàng thủ.
Thái Lan có vẻ mượt mà qua ba trận vòng bảng nhưng rõ ràng những đối thủ Thái Lan thắng dễ đều không mạnh như U-22 VN.
U-22 VN có những tay săn bàn Văn Tùng (bốn bàn), Nguyễn Quốc Việt, Văn Trường, Xuân Tiến, những tiền vệ Văn Khang, Văn Đô, Công Đến rất giàu kinh nghiệm quốc tế ở những giải trẻ.
U-22 VN không cần phải căng thẳng suy nghĩ thắng Thái Lan bằng mọi giá để rồi căng cứng tâm lý đến đôi chân bởi những cầu thủ từ châu Âu về của Thái Lan như Chayapipat (từ Prainense, Bồ Đào Nha), Achipol (từ Ausburg, Đức) cũng chưa có gì đáng sợ và vẫn chưa cho thấy hơn những Văn Tùng, Lê Văn Đô, Thanh Nhàn…
Nguồn PLO