LTS: Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định (21-5-1963 – 21-5-2023) và 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2023), ngày 12-5, Tỉnh ủy Nam Định đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nam Định 60 năm thực hiện lời dạy của Bác”. Hội thảo đã thu hút, tập hợp 44 tham luận của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Báo Nam Định xin trích đăng nội dung một số tham luận trình bày tại Hội thảo.
PGS. TS Đỗ Lan Hiền
Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Lần đầu Bác về thăm Nam Định (ngày 10-1-1946), Bác đến thăm trại trẻ mồ côi (nhà Thiên Thần) hay còn gọi là nhà Dục Anh, ở phố Hàn Thuyên, Nam Định do các nữ tu dòng Thánh Phaolô phụ trách. Tại đây, Bác thăm từng phòng ở của các cháu nhỏ từ trẻ sơ sinh đến trẻ 9-10 tuổi và nói với nữ tu (bà phước) nuôi trẻ: Tôi thay mặt các cháu không cha, không mẹ cảm ơn các bà đã trông nom cho chúng như một người mẹ.
Trong các buổi Huấn thị cho đội ngũ cán bộ Đảng (năm 1954) làm công tác văn hóa, Bác nói: có nơi, cán bộ ta viết khẩu hiệu trên tường nhà thờ “Đả đảo đế quốc chủ nghĩa”, cái đó không có ích gì cả, mà lại có hại. Với nhà thờ, đồng bào cho đó là nơi tôn nghiêm, ta phải kính trọng. Viết như vậy, đồng bào sẽ nói ta khinh rẻ chỗ thờ cúng của họ. Cán bộ làm công tác tôn giáo “sai một ly, đi một dặm”, Bác dạy, cán bộ phải học những người đi truyền giáo, trong công tác vận động phải biết nhẫn nại, không được lên mặt quan cách, nói một lần người ta chưa hiểu thì nói đến hai lần, ba lần, tuyên truyền thì phải dần dần để người ta hiểu mà vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta…
Để vận động, thuyết phục bà con Công giáo Nam Định “tích cực tham gia kháng chiến cứu quốc, tăng gia sản xuất, tiết kiệm”, Bác thường viện dẫn Kinh thánh để đồng bào thấy việc tham gia kháng chiến, tăng gia sản xuất cũng chính là làm tròn bổn phận với Thiên chúa và đúng tinh thần của Phúc âm. Trong những lần về thăm Nam Định, Bác nói: Chính phủ cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm. Cho nên đồng bào Công giáo làm tròn chính sách của Chính phủ cũng là làm tròn tinh thần của Chúa Cơ Đốc”. Trong Thư gửi Hội nghị đại biểu đồng bào theo đạo Thiên chúa toàn miền Bắc, ngày 17-9-1964, Bác dẫn Kinh thánh “ý dân là ý Chúa” để khích lệ đồng bào Công giáo đi trên con đường yêu nước, tin vào Đảng vào Chính phủ là hoàn toàn đúng, không trái với tinh thần của Phúc âm. Trong Lời phát biểu phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ngày 27-12-1965), Bác nhắc nhở cán bộ Đảng: chúng ta phải biến câu nói của đồng bào Công giáo “sống theo Đảng, chết theo Chúa” thành khẩu hiệu để giáo dục và động viên đồng bào có đạo hăng hái tham gia sản xuất và chiến đấu. Câu nói ấy là tổng kết một nhận thức rất đúng tâm trạng của đồng bào theo đạo có tinh thần yêu nước, họ mặc dù tin Chúa nhưng vẫn theo Đảng.
Những lời chỉ bảo của Bác trong cách ứng xử, sách lược với đồng bào Công giáo Nam Định, cùng với chính sách tôn giáo đúng đắn khi đó đã khơi dậy và khích lệ người Công giáo Nam Định tích cực tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương đất nước.
Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948), vị giám mục người Việt Nam đầu tiên được Giáo hoàng Piô XI ban hành sắc lệnh (ngày 9-3-1936) trao cho hàng giáo sĩ bản quốc cai quản Giáo phận Bùi Chu (Nam Định) và người Công giáo Nam Định có tình cảm đặc biệt với Bác, xem Bác là vị “anh hùng dân tộc” và tự nhận mình có cùng dòng họ với Bác. Trên các tạp chí và báo do Giám mục Hồ Ngọc Cẩn phụ trách có nhiều bài viết tri ân về Bác, như: “Cụ Hồ Chí Minh. Từ trẻ đã từng bôn ba hải ngoại nằm sương nếm mật để giành lấy quyền độc lập cho đồng bào yêu quý. Ngày nay các đồng chí lãnh đạo vì yêu tài mến đức đặt lên làm Chủ tịch cả một Chính phủ, thế mà cụ vẫn khiêm tốn nhũn nhặn, ăn mặc xuyền xoàng, lại đội một cái mũ… đã trải gió, mưa, như chủ của nó. Với một Chủ tịch lão thành đầy kinh nghiệm, đầy đức hy sinh và lòng khiêm tốn như thế… chúng ta có quyền tín nhiệm vào Chính phủ. Chúng ta lại có quyền hy vọng Chính phủ sẽ dẫn dắt ta đến đài vinh quang xây bằng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”…
Như vậy, tinh thần yêu nước của người đứng đầu giáo phận Bùi Chu đã lan tỏa trong đồng bào Công giáo Nam Định, là gạch nối đưa Đạo vào Đời, là động lực “thánh thiêng” để đồng bào Công giáo Nam Định tích cực tham gia cách mạng, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần đưa hai cuộc kháng chiến (năm 1945 và 1954) của Đảng và nhân dân ta đi đến thắng lợi.
Những chỉ bảo thiêng liêng của Bác cho Đảng bộ, chính quyền Nam Định trong ứng xử, sách lược với đồng bào Công giáo trong những dịp Bác về thăm Nam Định, tuy ngắn gọn, nhưng là một sự am tường sâu sắc về Công giáo, sự mẫn cảm chính trị về mối quan hệ Công giáo – dân tộc trong thời điểm cách mạng lúc bấy giờ. Tinh thần yêu quê hương, đất nước của người Công giáo Nam Định đã được khơi dậy mạnh mẽ bởi tư tưởng, tình cảm, phong cách ứng xử và chính sách tôn giáo đúng đắn của Bác và Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo niềm tin cho giáo dân vào chế độ mới…
60 năm đã qua, những lời huấn thị của Bác vẫn bao chứa nhiều nội dung, ý nghĩa, kinh nghiệm sâu sắc trong ứng xử và sách lược đối với tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng. Đặc biệt, với quê hương Nam Định là địa phương có bề dày văn hoá và đặc thù về tôn giáo, với số lượng các chức sắc, tín đồ Công giáo đứng đầu cả nước, vừa có lòng mộ đạo vừa có tinh thần ái quốc. Do vậy, Đảng bộ và chính quyền Nam Định ngày nay, thực hiện tốt những điều Bác căn dặn trong ứng xử với đồng bào Công giáo để phát huy lợi thế, nguồn lực tôn giáo trong xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, cùng cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc, ấm no thực sự cho tất cả mọi người./.