(Báo Quảng Ngãi)- Khai thác lợi thế về điều kiện đất đai, sản phẩm đặc trưng, nhiều hợp tác xã (HTX) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong tỉnh được thành lập đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để các HTX này phát triển bền vững thì rất cần có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước, nhất là nguồn vốn.
Khẳng định vai trò
Tại huyện Ba Tơ, nhiều sản phẩm đặc sản của vùng núi nơi đây được đồng bào DTTS nuôi trồng hoặc thu hái từ rừng, tuy nhiên nhiều nơi trả giá thu mua không tương xứng. Ngoài ra, do cách bảo quản của người dân chưa đảm bảo, nên sản phẩm dễ bị hư, kém chất lượng. Tháng 5/2019, HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ được thành lập, với sự tham gia của 10 thành viên. Sau đó, HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ trở thành đầu mối tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp cho người dân, nhất là đồng bào DTTS, với những sản phẩm như: Cá niên, gạo lúa rẫy, ớt xiêm, mật ong, rượu sim, thịt trâu gác bếp… Giám đốc HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ Nguyễn Thanh Thanh cho biết, từ khi thành lập đến nay, HTX đã tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và giải quyết việc làm thường xuyên cho các gia đình.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) hỗ trợ heo ky giống cho thành viên hợp tác xã. Ảnh: Phạm Thị Trầm |
Ở các huyện miền núi trong tỉnh cũng có nhiều HTX đã khẳng định được vai trò như HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây), HTX Thương mại dịch vụ xây dựng thảo nguyên Bùi Hui (Ba Tơ)… Trong đó, nhiều sản phẩm của các HTX đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP như ớt xiêm, ổi, gạo lúa rẫy, măng nứa… Đặc biệt, sản phẩm của một số HTX đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá, phân hạng đạt 3 sao như ớt xiêm rừng ngâm dấm, chuối hột rừng sấy khô…
Hiện nay, vùng đồng bào DTTS&MN trong tỉnh có 57 HTX. Trong đó, có 46 HTX đang hoạt động với gần 1.000 thành viên (người đồng bào DTTS chiếm khoảng 70%). Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hồ Quý Nhân nhận định, với nhiều mô hình mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị được nhân rộng, các HTX kiểu mới ở vùng đồng bào DTTS&MN bước đầu góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết phát triển sản xuất. Đặc biệt, các HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan tỏa sản phẩm đến với thị trường trong, ngoài tỉnh.
Cần trợ lực
Bên cạnh những mặt tích cực, thì HTX ở vùng DTTS&MN trong tỉnh quy mô còn nhỏ, số lượng thành viên ít, nguồn vốn thấp nên chưa tạo ra được các sản phẩm chất lượng với quy mô lớn. “Vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển mô hình HTX, nhất là sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất tập trung quy mô lớn chưa có, các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị còn ít. Các HTX còn thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn”, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn đánh giá.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ Nguyễn Thanh Thanh cho biết, không chỉ dừng lại ở việc làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, HTX đang hướng tới phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương như trồng cây cà ri, trúc… để xuất khẩu đi các nước Ấn Độ, Nhật Bản. Đồng thời, liên kết phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ). “Để thực hiện các mục tiêu này, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn để HTX có thể phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đó tạo thêm công ăn việc làm, giúp người dân vùng đồng bào DTTS giảm nghèo và vươn lên làm giàu”, ông Thanh bày tỏ.
Không chỉ riêng HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ, nhiều HTX khác cũng đang có nhu cầu về nguồn vốn đầu tư, phát triển sản xuất… Để trợ lực cho các HTX, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2023, Quảng Ngãi đã dành hơn 145 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư. Từ nguồn lực này, các HTX tại vùng đồng bào DTTS&MN sẽ được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất.
VŨ YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: