Buổi sáng, trời còn mờ sương, đèn cao áp hai bên đường đã tắt. Hàng cây đứng im lìm. Đường Hùng Vương khá vắng vẻ, chỉ có vài người chạy bộ. Ăn bánh canh xong, chú Ba, Tèo, thằng Bi và thằng Minh chạy thẳng đến nhà cô Lan để tiếp tục công việc xây cất. Chưa dựng xe yên chỗ đã thấy cô Lan hớt hơ, hớt hải chạy ra:
– Con tìm khắp nhà vẫn không thấy chú Ba ơi!
– À! Cái vụ sợi dây chuyền đó hả? Hôm qua, nghe cô nói tui cũng hoảng hồn, điện thoại hỏi tụi nó, không có đứa nào nhặt được hết. Tui gọi điện trả lời, cô không bắt máy. Tui có nhắn tin mà.
– Dạ! Hôm qua con lu bu quá. Ông Thái ổng la con quá trời.
Từ trong nhà vọng ra tiếng của Thái:
– Có rớt, còn lâu mới tìm được, kể lể làm gì.
Lan le lưỡi, lắc đầu và chạy vào.
Thằng Bi, thằng Minh chạy lại nói nhỏ vào tai chú Ba:
– Ổng nói kiểu đó là nghi mình lượm rồi lấy luôn hả chú Ba?
– Chứ còn gì nữa! Mà cũng tại tụi bây, tay chân thường táy máy biểu sao người ta không nghi. Hôm động thổ, đĩa trái cây của người ta tụi bây còn dám lấy ăn, họ bực lắm.
Chú Ba ngoắc Tèo lại và nói nhỏ:
– Mà tao hỏi thiệt trong ba đứa tụi bây có đứa nào lượm không?
Thằng Bi sừng lại:
– Nếu con hỏi chú câu đó, chú nghĩ sao?
Thằng Minh phụ hoạ:
– Chú hỏi gì mà kỳ vậy?
– Thôi cho qua đi! Tại tao nóng ruột giùm cô Lan. Tìm không được sợi dây chắc cậu Thái la cổ tơi tả quá.
* * *
Mới 4 giờ sáng mà khoa Thận của bệnh viện đã đông kín người. Tiếng nói chuyện ồn ào. Đi bệnh viện riết rồi người ta thân nhau. Ngồi chờ đợi trên ghế đá, họ tâm sự đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Một người phụ nữ trạc 60 tuổi, tướng người phốp pháp, mang theo một hộp xôi to tướng còn nóng hổi, thơm phức mùi nước dừa, mùi đậu xanh.
Ghế đá bên cạnh một bọc bánh bèo không nhỏ được bày ra. Cả dãy hành lang bệnh viện chật kín người. Xôn xao những tiếng mời chào, người nọ đưa thức ăn cho người kia. Cô y tá bước ra nhắc: “Bà con nói nhỏ nhỏ”. Dì Sáu- mẹ thằng Tèo- bị suy thận cấp. Đưa mẹ nhập viện xong, Tèo qua kể lể với dì Ba. Chẳng biết nó nói thế nào mà buổi chiều hôm đó dì Ba gọi Lùn lại và nói:
– Thằng Tèo nó đã lên thợ chính, khó xin nghỉ lắm! Dù gì con với nó cũng đã hứa hẹn rồi, con nghỉ bán ít hôm, đi nuôi dì Sáu. Sức khoẻ má không được tốt, chứ nếu không má sẽ đi.
– Ảnh muốn con đi nuôi, sao ảnh không nói với con?
– Nó đâu có dám nhờ, tại má thương chị Sáu nên má mới nói.
Ở bệnh viện, dì Sáu luôn miệng giới thiệu Lùn là con dâu, làm nó mắc cỡ muốn chết. Bệnh tình của dì khá nguy cấp, bác sĩ truyền nước biển và thuốc liên tục. Từ 8 giờ bắt đầu truyền mà đến 19 giờ vẫn chưa xong. Hết chai này lại đến chai khác. Lùn cứ theo dõi xem nước biển có nhỏ xuống đều không, nếu thấy ngưng là lật đật chạy đi kêu y tá.
Trong khoa, đa số là người nghèo, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Có người đi nằm viện rất nhiều con, cháu đi theo, đồ ăn, thức uống dùng không hết; có người có mình ên chịu đựng, may nhờ có những người làm từ thiện, họ đến tận giường bệnh, trao từng hộp cơm, chai sữa, vài ba lời động viên, nghe thật ấm lòng.
Những ngày nằm điều trị, thời gian rảnh rất nhiều, dì Sáu kể cho Lùn nghe về người chồng của mình:
– Ổng làm thợ hồ, giỏi nghề lắm, thương vợ, thương con hết lòng, chỉ phải cái tội nhậu và hút thuốc lá quá trớn. Dì khuyên hết lời mà đâu có nghe. Mới 50 tuổi mà ổng đã chết sớm vì chứng bệnh ung thư phổi. Thằng Tèo giống ba nó nhiều thứ lắm! Giống khéo tay, giống nhậu, giống hổng biết giữ tiền, có đồng nào là hết đồng nấy. Mai mốt, cưới xong con ráng quản lý tiền bạc của nó, chứ với ba thằng Tèo thì chuyện đó là dì thua rồi.
* * *
Chiều, chú Ba chạy chiếc xe honda cà tàng xuống thăm dì Sáu. Sau vài phút nói chuyện, chú Ba kéo Lùn ra quán nước. Theo lời chú nói thì chú rất nghi ngờ, Tèo là người đã nhặt được sợi dây chuyền.
– Chú nghi nó là có cơ sở con à! Mấy hôm rày nó làm chung với chú mà như có điều gì suy nghĩ lung lắm, cứ quên trước quên sau. Nó xuống đây thăm chị Sáu, con để ý có gì lạ không?
– Dạ! Ảnh ít nói hơn lúc trước, mắt thâm quầng như mất ngủ. Ảnh cứ hỏi con liệu bệnh viện này trị tốt không, hay là mình chuyển bệnh viện tư.
Chú Ba vỗ đùi một cái phét:
– Đó! Con thấy chưa? Tại sao nó lại mất ngủ? Rồi tiền ở đâu mà đòi chuyển viện? Chú rành nó quá mà, có đồng nào, lủm đồng nấy. Làm gì có dư! Vụ này, con ráng tính coi Lùn, chứ tội cô Lan quá. Chú chưa thấy ai đàn ông mà nhỏ mọn như thằng Thái, nó cứ lôi sợi dây chuyền ra chì chiết cô Lan. Nó còn tỏ hẳn thái độ nghi ngờ đám thợ hồ, nói nhiều câu khó nghe lắm, chú buồn vô cùng.
– Dạ! Để dì Sáu xuất viện rồi con tính. Chú yên tâm đi!
Nhưng Lùn tính làm sao được, thằng Tèo cứ tránh mặt suốt. Lùn nóng ruột chạy thẳng đến nhà cô Lan thì thấy nó cứ cặm cụi làm và chỗ đông người cũng khó nói chuyện.
Lùn hỏi nhỏ thằng Bi:
– Em để ý sau buổi làm anh Tèo ảnh đi đâu?
– Dạo này, ảnh hay ra ngồi ngoài quán cà phê Nắng đó chị.
Chiều nay, Lùn chạy thẳng ra quán, máu nó sôi lên sùng sục: – Tránh mặt hả? Cho tránh mặt nè!
Quán Nắng day mặt ra phía bờ sông, gió thổi mát rượi.
Tèo ngồi một mình trên chiếc bàn nhỏ, mắt nhìn theo những chiếc xuồng con đang xuôi ngược. Ly cà phê còn đầy.
Lùn nhẹ nhàng kéo chiếc ghế ngồi cạnh bên.
Nghe tiếng động, Tèo quay lại:
– Em mới đến à?
– Tui mới đến.
– Em đến có việc gì không?
– Có chút chuyện.
Tèo không nhìn Lùn, ánh mắt xa xăm:
– Em nói đi.
– Anh nhìn thẳng vào mặt tui, rồi mình nói chuyện.
Tèo cau có: – Thì có chuyện gì em cứ nói đi, làm gì phải nhìn tận mặt.
– Tui vô thẳng vấn đề nè! Anh có lượm sợi dây chuyền của chị Lan không?
– Ai nói với em là tui lượm?
– Mà anh có hay không?
– Không!
– Anh liệu mà trả cho người ta nhe. Tội nghiệp chị Lan lắm!
Tèo đứng phắt dậy: – Tội nghiệp cái gì? Vừa vừa phải phải thôi nhe! Chưa chi đã muốn làm bà nội rồi. Không cưới hỏi gì hết.
Nói xong, Tèo bỏ đi.
Tại quán, bao nhiêu ánh mắt đang đổ dồn vào Lùn.
Xấu hổ quá, cô vội vã đi ngay.
Hôm nay, Tèo nói với chú Ba xin nghỉ làm một ngày, nó về ngoại chơi.
Ngoại mất từ lâu rồi, ngôi nhà do cậu, mợ Út ở.
Đó là một ngôi nhà nhỏ, nằm chơ vơ giữa cánh đồng đầy những gốc rạ. Vài cây thốt nốt vươn lên trong ráng chiều. Mấy ngôi mộ cổ bằng đá ong nằm cạnh cây trâm bầu. Tèo nằm trên chiếc bộ ván gõ bóng loáng, không chừng tuổi của bộ ván còn lớn hơn tuổi của nó. Nhớ hồi ngoại còn sống, cũng tại bộ ván này, ngoại, ba, má, cậu, mợ, các em… xúm xít bên nồi cơm lúa mới ăn với cá nướng trui. Một rổ rau thật tươi, một tô nước mắm thật cay, vừa ăn vừa hít hà.
Buổi chiều, có vài người đang đốt đồng, khói lên cuồn cuộn.
Bỗng dưng Tèo nghe nhớ má, nhớ cái dáng tất bật, hối hả mỗi lần má và Tèo cùng phụ ngoại đốt đồng. Khói bay lên, cay mắt nhưng vẫn rộn rã tiếng cười đùa của Tèo và đám con cậu út. Rồi Tèo lại nhớ đến Lùn.
Lần đầu tiên dẫn Lùn đến đây nó thích lắm. Mình vì thương nó, muốn mau có tiền làm đám cưới với nó nên mới làm như vậy.
Mấy ngày qua, Tèo đau đầu quá. Mỗi ngày, phải chứng kiến cảnh vợ chồng ông Thái gây lộn nhau, nhìn dáng vẻ đau khổ của chị Lan, rồi nghe những lời nói bóng gió của chú Ba chịu hết nổi.
Mà cũng lạ, hai đứa kia chú không nghi mà sao chú lại nghi mình. Càng nghĩ càng đau đầu. Trời ơi! Căng não quá! Tèo mường tượng. Sợi dây chuyền xinh thật xinh, cái mặt hình trái tim đáng yêu làm sao. Nặng tay lắm, chắc cũng cả cây vàng. Sợi dây chuyền mình nhặt được, chứ đâu phải ăn cắp. Có lúc, Tèo muốn khai thiệt với con Lùn, rồi bàn với nó đi Trảng Bàng bán, sắm sửa đồ cưới, nếu đổi ra cũng được một đôi bông tai, cặp nhẫn, một sợi dây chuyền nhỏ. Vừa đủ! Nhưng với thái độ hùng hổ của nó mấy hôm trước ở quán cà phê, vụ này chắc không xong rồi.
Sáng nay, nghe thằng Bi nói, Tèo lại càng rối ruột: -Anh Tèo à! Anh Quyền con bà Cúc chủ vựa bắp cũng thương chị Lùn. Ổng đẹp trai lại giàu hơn anh. Chưa có đám cưới hổng chắc đâu nhe anh!
Bây giờ tính sao? Thiệt tình mấy bữa nay không gặp nó, sao mà nhớ cái miệng tía lia của nó quá!
* * *
Dì Ba đang nấu cơm, thấy Tèo thập thò ngoài cửa. Con Lùn ngồi tỉnh bơ chặt bắp.
– Vào chơi đi con, sao đứng ngoài đó!- Dì ba nói.
– Dì Ba cho con chở Lùn đi chơi một chút nhe dì!
Quay qua Lùn, Tèo nhỏ giọng: -Đi với anh một chút, lát về anh chặt hết đống bắp này cho.
– Khỏi cần đi đâu hết, anh cứ nói ở đây, má tui biết hết rồi. Lùn ngưng tay và kéo thêm một chiếc ghế cho Tèo ngồi.
Thật ra, mấy ngày nay Lùn bị dì Ba trách nhiều lắm. Dì nói: – Con trật quá! Ăn nói không khéo léo. Đáng lẽ, con phải nói ngọt ngào để nó tự khai ra. Đằng này, con giống như là đang hỏi tội phạm, nói kiểu đó nó trả lời như vậy cũng đáng. Nhưng mà con yên tâm đi, nó thương con lắm! Thế nào, nó cũng tìm đến nhà mình. Nhớ! Nói chuyện thật nhẹ nhàng, mềm mại, không có xưng tui. Nó kêu con bằng em ngọt xớt mà.
Lùn lẩm nhẩm: – Phải dịu dàng, phải ngọt ngào…. Hơi khó đây, nhưng thôi ráng.
Lùn nhìn Tèo, ánh mắt đầy âu yếm như khích lệ. Tèo nói nho nhỏ, vừa đủ cho hai đứa nghe.
– Lùn à! Tại anh muốn mau làm đám cưới, giờ lỡ rồi, anh hổng biết tính sao?
– Dễ lắm anh à, để lát nữa em tính cho. Nhưng đầu tiên là em cảm ơn anh. Em biết, vì thương em anh mới làm như vậy.
Nghe tiếng xưng em ngọt lịm từ miệng Lùn thốt ra. Lại nghe mấy lời đúng như ý của mình, Tèo vô cùng sung sướng.
Lùn lại thủ thỉ: – Anh nhớ trận dịch Covid năm 2021 vừa rồi chứ? Biết bao nhiêu người đã chết. Lúc gia đình anh, gia đình em cùng đi cách ly, anh biết em đã van vái điều gì không?
– Điều gì em?
– Em cầu mong cả hai nhà đều bình an. Nếu được trở về với nhịp sống bình thường, em sẽ ráng đi bán, dành dụm tiền để có thể làm từ thiện chút ít. Em không bao giờ làm một việc gì xấu xa khiến lương tâm phải xấu hổ. Mình tuy nghèo nhưng biết tiết kiệm cũng có thể dư. Đám cưới là chuyện lớn của đời người, sao lại dùng những đồng tiền bất nghĩa để mở đầu cho nó.
– Nhưng làm cách nào để trả lại cho chị Lan?
– Thiếu gì cách! Anh đi làm mỗi ngày, anh để ý có phải khi về tới nhà là chị Lan lại treo cái áo khoác trên cây mít, đúng không?
– Đúng rồi!
– Anh lựa lúc vắng người, anh bỏ sợi dây chuyền vào túi áo của chỉ. Cái áo đó dây kéo ở bên trong.
– Nhưng…
– Nhưng cái gì? Hổm nay mất, giờ tìm được mừng thấy mồ, còn suy nghĩ thế nào là chuyện của chị ấy, chuyện của anh là làm như vậy, anh thấy được không?
Tèo gãi gãi đầu:
– Rồi tiền đâu mà làm đám cưới?
– Đi bán nhiều năm em có dư chút đỉnh, sẽ phụ với anh! Nhưng em có hai điều kiện, anh đồng ý em mới cho cưới.
Tèo cười: – Điều kiện gì?
– Thứ nhất bỏ thuốc lá, bớt uống rượu. Một tuần, chỉ uống với anh em chút ít vào chiều thứ bảy.
– Bỏ chưa chắc được, chỉ bớt bớt thôi em.
– Không trả giá!
– Còn điều kiện thứ hai là gì?
– Đi làm có bao nhiêu tiền đưa cho em cất hết. Mỗi ngày, em bỏ túi cho anh trăm ngàn. Tiền dư, em dành dụm sau này lo sửa nhà, lo cho con… Ai đời, mang tiếng là thợ chính, mà trong túi lúc nào cũng không có tiền, còn mắc nợ nữa chứ. Anh thấy đó, hai đứa mình học hành không đến nơi, đến chốn, đời con mình không thể như vậy được. Anh là thợ giỏi, anh từng xây những ngôi nhà vừa đẹp lại phù hợp với túi tiền mọi người, ai mà lại chẳng thích.
Tèo vuốt nhẹ vào tay Lùn: – Anh nghe phong thanh cái vụ thằng Quyền, nó…
Lùn ngắt lời:
– Anh yên tâm, em đã hứa với anh là không có gì thay đổi.
Tèo cười, gương mặt thật rạng rỡ
– Lùn à! Mai mốt sinh con, ngoài cái tên trong giấy khai sinh, mình cũng đặt thêm cái tên gọi ở nhà. Anh tính, con trai mình gọi là cu Tý, con gái kêu là Tý Nị, dễ thương há em!
– Muốn chuột đực, hay chuột cái gì thì chuyện đó tính sau. Còn bây giờ lo trả sợi dây chuyền cho người ta đi, cha nội!
H.N