Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa…
Đó là một trong những quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện hướng tới xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường.
Thực trạng tại Bình Thuận
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chủ trương trên, thời gian qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã tập trung cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2013 – 2022 đạt gần 7%/ năm. Quy mô giá trị GRDP của tỉnh tăng từ 38.286 tỷ đồng (năm 2013) lên 96.700 tỷ đồng (năm 2022), tăng gấp 2,5 lần. GRDP bình quân đầu người từ 1.530,4 USD (năm 2013) tăng lên 3.283,6 USD (năm 2022), tăng gấp 2,1 lần. Thu nhập bình quân đầu người từ 28,2 triệu đồng (năm 2013) tăng lên 77,3 triệu đồng (năm 2022), tăng gấp 2,74 lần. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được quan tâm đầu tư. Tiềm năng, lợi thế của tỉnh từng bước phát huy hiệu quả. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 24.200 lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường được quan tâm đầu tư. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng chưa cao; các yếu tố khoa học – công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực kết tinh trong tăng trưởng còn thấp. Sản xuất công nghiệp phát triển thiếu cân đối, tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghiệp năng lượng; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp. Sản xuất nông nghiệp trên cả 03 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản còn nhiều khó khăn, tăng trưởng chưa bền vững; ứng dụng khoa học – công nghệ trong chế biến sản phẩm nông nghiệp còn yếu; giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Kinh tế du lịch tăng trưởng khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng; du lịch chưa thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đô thị hóa chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mục tiêu và giải pháp
Bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, đồng thời căn cứ tình hình thực tế của Bình Thuận, trong chương trình hành động, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt từ 7,5 – 8,0%. GRDP bình quân đầu người đạt từ 7.800 – 8.000 USD. Đóng góp của nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế khoảng 50%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt từ 18 – 20%; Tỷ trọng kinh tế số chiếm tỷ trọng trong GRDP của tỉnh đạt khoảng 30%; Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 1,5 – 13%/năm (giai đoạn 2021 – 2025 tăng từ 11,5 – 12,5%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 tăng 13%/năm), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm; Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 30%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 39 – 40%. Đào tạo kỹ năng số cơ bản cho 50% dân số tỉnh; Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50,8%.
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, chương trình hành động Tỉnh ủy xác định 10 nhóm giải pháp. Cụ thể: Việc đầu tiên là phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030; Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Xây dựng ngành công nghiệp vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; Ðẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển du lịch; Phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Ðổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững; Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước; Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; Đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm tốt an sinh xã hội.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực; phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng xanh, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp, Dịch vụ, Nông nghiệp.
Tầm nhìn đến năm 2045: Đến năm 2045, phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường.