Không ít công trình, dự án trên địa bàn Đồng Nai đang bị chậm tiến độ, tạm dừng vì chưa được thẩm định giá đất (TĐGĐ). Nguyên nhân do 2 năm nay có ít đơn vị nộp hồ sơ tham gia tư vấn, xác định giá đất.
Dự án Khu dân cư P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) hơn 2 năm nay không có đơn vị nhận thực hiện thẩm định lại giá đất. Ảnh: L.An |
TĐGĐ là cơ sở tính tiền thuế đất, sử dụng đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất.
* Ít đơn vị tham gia
Năm 2021, vì dịch bệnh Covid-19 nên các đơn vị tư vấn, TĐGĐ không nộp hồ sơ tham gia TĐGĐ trên địa bàn tỉnh. Sang năm 2022, cả tỉnh có duy nhất 1 hồ sơ tham gia TĐGĐ. Vì số lượng dự án quá nhiều trong khi đơn vị TĐGĐ ít, Sở TN-MT phải làm văn bản “cầu cứu” các bộ, ngành Trung ương.
Đầu năm 2023, Sở TN-MT tiếp tục gửi hơn 100 thư mời đến các đơn vị tư vấn, TĐGĐ trong và ngoài tỉnh nhưng cũng chỉ nhận được 15 hồ sơ phản hồi. Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách cả 15 đơn vị.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết, 2 năm qua rất ít đơn vị nộp hồ sơ tham gia tư vấn, định giá đất trên địa bàn tỉnh. Có trường hợp nộp hồ sơ rồi nhưng khi thẩm định năng lực không đạt yêu cầu. Có trường hợp được đánh giá đủ năng lực nhưng phút cuối lại từ chối, ngừng thực hiện. Điều này dẫn đến nhiều dự án phải chờ TĐGĐ.
Lý giải việc nhiều đơn vị, trong đó có 2 đơn vị của tỉnh là Công ty CP Thẩm định giá Đồng Nai và Trung tâm Kỹ thuật TN-MT (thuộc Sở TN-MT) không tham gia tư vấn, TĐGĐ, ông Thường cho rằng, khó khăn của các đơn vị thẩm định là thiếu thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai. Đối với các trường hợp thẩm định lại giá đất, chủ đầu tư không cung cấp được đầy đủ hồ sơ pháp lý theo yêu cầu. Thêm nữa là thời gian qua một số kết luận thanh tra, kiểm tra chỉ ra tư vấn định giá đất thấp, bị quy trách nhiệm khiến đơn vị tư vấn e dè, sợ rủi ro.
Điển hình như dự án Khu dân cư P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa), từ năm 2021 đến nay vẫn chưa thể thẩm định lại giá đất. Nguyên nhân là năm 2021 không có đơn vị nhận thực hiện. Năm 2022, có một đơn vị ký hợp đồng thực hiện nhưng đến tháng 3 vừa qua đã đề nghị ngưng vì cho rằng hồ sơ phức tạp, không đủ thời gian và cơ sở TĐGĐ.
* Cần gỡ “nút thắt” định giá đất
Mỗi năm Đồng Nai có hàng trăm dự án, công trình cần tư vấn, TĐGĐ. Đây là căn cứ để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vì các lý do trên mà giải ngân nguồn vốn đầu tư công bị chậm, thu ngân sách bị ảnh hưởng. Người dân vùng dự án thì mòn mỏi chờ đợi tiền bồi thường, hỗ trợ. Còn chủ đầu tư thì không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất triển khai dự án.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quế, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh đánh giá, nhiều công trình, dự án “mòn mỏi” chờ thẩm định giá. Cụ thể, dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có kế hoạch khởi công cuối tháng 6-2023 nhưng đến nay chưa phê duyệt được phương án bồi thường vì phụ thuộc vào tư vấn, TĐGĐ cụ thể. Quy định hiện hành vừa khó cho đơn vị TĐGĐ, vừa khó cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Cần có những quy định cụ thể, rõ ràng để đơn vị tư vấn, thẩm định giá dễ thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước dễ phê duyệt giá.
Ông Lê Bá Quý, Giám đốc chi nhánh Ban Quản lý dự án điện, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam cho biết, doanh nghiệp có hơn 11,6ha tại H.Nhơn Trạch đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất để thực hiện Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 nhưng đến nay chưa ký được hợp đồng thuê đất vì TĐGĐ để tính tiền cho thuê chưa hoàn thành.
“Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các bên sớm hoàn thành công tác TĐGĐ để công ty thuê đất thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ” – ông Quý cho biết.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, quy định của pháp luật về xác định giá đất cụ thể như hiện nay là chưa đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Khi cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đưa ra kết luận chưa phù hợp đã gây áp lực lớn cho các đơn vị tư vấn, TĐGĐ và cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến tâm lý e ngại.
Do đó, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật về xác định giá đất. Trong thời gian chờ điều chỉnh, cho phép tỉnh xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng với từng dự án để trình HĐND tỉnh. Từ đây có cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất và tính tiền bồi thường khi thu hồi đất.
Vừa qua, Sở TN-MT đã phối hợp các sở, ngành đánh giá năng lực và tham mưu UBND tỉnh kế hoạch TĐGĐ năm 2023. Có 15 đơn vị là các doanh nghiệp, trung tâm có trong danh mục tham gia TĐGĐ. |
Lê An
.