Báo cáo ngày 8-5 của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết, nước này vẫn đang đối mặt với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm do xuất khẩu và đầu tư cơ sở vật chất yếu. Mặt khác nền kinh tế Hàn Quốc những năm gần đây ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu trong bối cảnh tiêu dùng nội địa sụt giảm, tháng 4-2023 là tháng thứ bảy liên tiếp xuất khẩu của Hàn Quốc giảm. Trong đó, chip bán dẫn – sản phẩm thế mạnh của nước này- chứng kiến lượng xuất khẩu giảm 41% so với tháng 4-2022.
Về tổng thể, báo cáo của KDI thừa nhận các hoạt động kinh tế của Hàn Quốc còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ thực tế là xu hướng kinh tế suy giảm đã được hạn chế phần nào nhờ tiêu dùng trong nước phục hồi. KDI nhấn mạnh, đà suy giảm của nền kinh tế đã “phần nào được kìm hãm nhờ lượng cầu trong nước chỉ giảm nhẹ” – đặc biệt là doanh số ô tô, trong khi lĩnh vực dịch vụ duy trì tăng trưởng thuận lợi nhờ nhu cầu du lịch tăng. Trên cơ sở đó, KDI khẳng định, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ vẫn ổn định.
Sự lạc quan của KDI được đánh giá là có căn cứ vì nhiều lý do. Trước hết, thị trường tài chính “xứ Kim chi” vẫn ổn định, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu. Trong khi đó, báo cáo kinh tế hằng tháng (Sách Xanh) của Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết nhu cầu nội địa dần hồi phục nhờ các hoạt động trực tiếp. Giá tiêu dùng của Hàn Quốc hiện có xu hướng tăng, tháng 3-2023 đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là dấu hiệu mới nhất cho thấy đà tăng của lạm phát sẽ chậm lại trong năm 2023.
Nhìn về phía trước, giới quan sát tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Hàn Quốc, dự báo sẽ phục hồi dần trong năm 2023. Hiện, cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều giữ nguyên dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á ở mức 1,5% trong năm 2023, không thay đổi so với mức dự báo vào tháng 12-2022. Mức này xấp xỉ con số 1,6% mà Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đưa ra, dựa trên sự lạc quan về xuất khẩu ô tô và tăng trưởng trong tiêu dùng tư nhân.
Triển vọng sáng của kinh tế Hàn Quốc cũng một phần nhờ việc Trung Quốc – thị trường chiếm tới 20% sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc – mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra, việc phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài trong xuất khẩu sản phẩm công nghiệp; lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ; và xung đột Nga – Ukraine cũng sẽ là yếu tố chi phối tiến trình này.
Thực tế, chính phủ đương nhiệm của Hàn Quốc đang rất cố gắng trong việc chèo lái nền kinh tế vượt qua giai đoạn gập ghềnh. Động thái đáng chú ý gần đây là việc chính phủ Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp liên bộ trưởng nhằm tìm ra các chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Lee Chang-yang đã kêu gọi tận dụng mối quan hệ ấm lên gần đây giữa nước này và Nhật Bản để đạt được “sự hiện diện thị trường lớn hơn của các công ty Hàn Quốc tại thị trường Nhật Bản”. Thành quả từ cách tiếp cận này sẽ có vai trò quan trọng trước thực tế kinh tế Hàn Quốc mới chỉ đạt tăng trưởng GDP ở mức 0,3% trong quý I-2023.
Nhìn chung, dù còn đối mặt nhiều khó khăn nhưng với nội lực một nền kinh tế lớn của châu Á, dự báo Hàn Quốc vẫn sẽ vẫn trụ vững qua giai đoạn nhiều sóng gió trước mắt. Từ đó, tiếp tục giữ vững vai trò là mũi nhọn, là một đầu tàu kinh tế của khu vực và thế giới.