Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet và công nghệ thông tin, công tác Đội và phong trào thiếu nhi thời gian qua đã có nhiều đổi mới phù hợp với xu thế phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng cho đội viên, thiếu nhi.
Đội viên Liên đội Trường tiểu học Lê Văn Tám (TP.Biên Hòa) tham gia cuộc thi trực tuyến. Ảnh: N.SƠN |
Anh Võ Văn Trung, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết, đổi mới công tác Đội là nội dung chỉ đạo xuyên suốt của Hội đồng Đội tỉnh, là tiêu chí cộng điểm thi đua cho các đơn vị. Vì vậy, các cấp Hội đồng Đội luôn đầu tư cho các mô hình, hoạt động mới mang tính sáng tạo.
Đề cao tính sáng tạo trong hoạt động Đội
Bên cạnh việc duy trì các hoạt động truyền thống vẫn còn sức hút đối với đội viên, thiếu nhi, tổ chức Đội từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường tổ chức các hoạt động trên không gian mạng. Gần đây nhất là cuộc thi Cùng em làm việc tốt – Tiến bước lên Đoàn được Hội đồng Đội tỉnh tổ chức vào tháng 3 vừa qua nhân kỷ niệm 60 năm phong trào Nghìn việc tốt. Cuộc thi diễn ra trong 2 tuần đã có trên 10 ngàn lượt thí sinh tham gia dự thi. Trong đó, H.Xuân Lộc, TP.Biên Hòa, H.Long Thành là những đơn vị có số lượt thí sinh thi cao (từ gần 1,2 ngàn thí sinh đến trên 2,8 ngàn thí sinh).
Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Võ Văn Trung cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc số hóa các hoạt động của Đội là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động Đội trên không gian số với các hoạt động truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động Đội.
|
Bên cạnh các cuộc thi trực tuyến, tại các liên đội còn chú trọng đổi mới các hoạt động giúp đội viên, thiếu nhi có cơ hội trải nghiệm. Cô Hoàng Thị Thúy Nga, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Lê Văn Tám (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ngoài giờ chào cờ, các tiết sinh hoạt chi đội, sinh hoạt sao nhi đồng theo chủ đề, chủ điểm, Liên đội Trường tiểu học Lê Văn Tám đã tổ chức cho các em đội viên thiếu nhi tham quan tìm hiểu di tích lịch sử, bảo tàng, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa – thăm, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng…
Để giúp các em đội viên, thiếu nhi nâng cao khả năng tư duy sáng tạo, tại các liên đội trên địa bàn tỉnh còn duy trì tổ chức ngày hội STEM; thực hiện mô hình giờ ra chơi trải nghiệm, sáng tạo; tổ chức các sân chơi trí tuệ; duy trì hoạt động của các CLB ngoại ngữ; tạo ra các không gian đọc sách độc đáo nhằm phát triển văn hóa đọc trong đội viên thiếu nhi…
Liên quan đến không gian đọc sách, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Võ Văn Trung chia sẻ, từ năm 2021, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh bắt đầu triển khai dự án Vui bước em đến trường. Bên cạnh việc cải tạo, sửa chữa các khu nhà vệ sinh đạt tiêu chí sạch đẹp, thân thiện; dự án còn xây dựng không gian làm việc tốt, không gian đọc sách cho thiếu nhi ở điểm trường lẻ hoặc các khu vực có đông con em công nhân lao động, giúp các em có cơ hội được tiếp cận với sách, hình thành thói quen đọc sách.
Phát huy tính tự chủ, tự quản của đội viên
Việc đổi mới công tác Đội không chỉ tạo ra những sân chơi hấp dẫn cho đội viên, thiếu nhi mà còn phát huy tính tự chủ, tự quản của đội viên, thiếu nhi trong các hoạt động Đội.
Các em đội viên, thiếu nhi tham gia cuộc thi vẽ tranh tại công viên Biên Hùng (TP.Biên Hòa) do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh: NGA SƠN |
Cách đây 2 năm, Hội đồng Đội tỉnh đã phát động 100% liên đội trong tỉnh triển khai thực hiện công trình măng non Không gian nghìn việc tốt. Theo đó, giáo viên Tổng phụ trách Đội hoặc cá nhân được giao phụ trách công tác Đội sẽ tham mưu ban giám hiệu bố trí một không gian phù hợp để thực hiện công trình măng non Không gian nghìn việc tốt. Đồng thời tuyên truyền để các em đội viên, thiếu nhi hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện công trình măng non Nghìn việc tốt để tự nguyện đóng góp công sức (tuyệt đối không đóng góp tiền) để thực hiện công trình măng non.
Thầy cô giáo chỉ định hướng, việc xây dựng Không gian nghìn việc tốt là do chính các em thực hiện, quản lý, phát huy hiệu quả. Các em có thể tạo ra Không gian nghìn việc tốt bằng việc trồng, chăm sóc cây xanh tạo công viên nghìn việc tốt; hoặc làm dụng cụ hỗ trợ bạn học tập từ các vật liệu tái chế. Hoặc cũng có thể chụp những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc làm việc tốt và ghim ở khu vực bố trí công trình Không gian nghìn việc tốt… nhằm lan tỏa việc làm tốt trong đội viên, thiếu nhi.
Bên cạnh đó, đối với các hoạt động sinh hoạt Sao nhi đồng, nếu như trước đây chủ yếu là do giáo viên Tổng phụ trách Đội thiết kế nội dung sinh hoạt thì nay giáo viên Tổng phụ trách Đội chỉ định hướng và các em đội viên sẽ là người thiết kế nội dung để sinh hoạt với các em nhi đồng. Theo đó, các em đội viên phụ trách nhi đồng sẽ bám vào chủ điểm từng tháng để xây dựng nội dung sinh hoạt với các em nhi đồng. Các chủ điểm xoay quanh những kiến thức về tổ chức Đội, về tình thầy trò, bạn bè, tình yêu Tổ quốc, văn hóa ứng xử, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường…
Hội đồng trẻ em cũng là mô hình phát huy tính tự chủ, tự quản của đội viên, thiếu nhi. Hiện nay, ngoài hội đồng trẻ em cấp tỉnh, đã có 8/11 đơn vị thành lập được hội đồng trẻ em cấp huyện. Mỗi năm định kỳ 2 lần, dưới sự hướng dẫn của ban tham vấn, hội đồng trẻ em sẽ tổ chức các phiên họp lấy ý kiến của các thành viên hội đồng trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Em Nguyễn Ngọc Lâm Tuyết, học sinh lớp 7A1, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TT.Định Quán, H.Định Quán) cho hay, là thành viên hội đồng trẻ em, nên em luôn có trách nhiệm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội viên, thiếu nhi để phản ánh đến hội đồng trẻ em. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để các cấp, các ngành làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Nga Sơn
.